Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ năm 2001 đến nay, Đảng bộ và nhân dân huyện Giồng Trôm, Bến Tre đã nhựa hóa, bê- tông hóa hơn 650km đường trong toàn huyện và xây mới hơn 700 cây cầu.
“Năm 1987, Đảng bộ và nhân dân Giồng Trôm bắt đầu xây dựng giao thông nông thôn (GTNT), nhất là giai đoạn 2001 - 2005, sau khi hoàn thành đề án của Huyện ủy về xây dựng GTNT. Từ năm 2006 đến nay, phong trào xây dựng GTNT ở Giồng Trôm được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng” - ông Đặng Thanh Khiết - Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm phấn khởi nói.
Giai đoạn 2001 - 2005 với các nguồn vốn vận động trong và ngoài tỉnh, Giồng Trôm đã thi công gần 52km đường huyện, đường liên xã, đường vào trung tâm xã bằng cách nhựa hóa và bê-tông hóa. Trên tuyến gần 52km đường này, huyện xây dựng 21 cây cầu bê-tông với tổng chiều dài 606m. Đường xã, ấp gần 360km, trong đó thi công 338 cây cầu (tổng chiều dài gần 4.900m). Tổng kinh phí đầu tư xây dựng GTNT giai đoạn 2001-2005 gần 98 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương gần 26 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 16 tỷ đồng…
Từ năm 2006 đến nay, phong trào Xây dựng GTNT tiếp tục phát triển mạnh. Cũng với phương thức vận động như giai đoạn 2001 - 2005, huyện dựa trên danh mục công trình hàng năm để giao chỉ tiêu vận động cụ thể cho từng xã. Vốn vận động được sử dụng một phần để đầu tư xây dựng các công trình đường liên ấp, liên xóm, phần còn lại đầu tư các công trình đường huyện, đường vào trung tâm xã, đường liên xã và cầu giao thông. Huyện thành lập Ban chỉ đạo huy động vốn, phân công các thành viên phụ trách xã kiểm tra việc triển khai kế hoạch cho cán bộ và nhân dân. Bên cạnh đó, huyện phân công Phòng Hạ tầng - Kinh tế, Ban Quản lý dự án, Phòng Tài chính - Kế hoạch hỗ trợ các xã trong việc tổ chức thi công, nghiệm thu, quyết toán, kiểm tra quá trình vận động vốn, kịp thời báo cáo về UBND huyện về những vấn đề còn vướng mắc. Với gần 52 tỷ đồng năm 2005, Giồng Trôm đã xây dựng: 176km đường nhựa và bê-tông; 294 cây cầu bê-tông. Trong đó, Trung ương hỗ trợ 12 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 7 tỷ đồng… và 54.700 ngày công lao động” - ông Hùng nói.
Ông Đặng Thanh Khiết cho biết thêm, huyện luôn tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng và được nhiều người dân hướng ứng. Tuyến tránh Thị trấn Giồng Trôm dài 9km, diện tích giải phóng mặt bằng gần 500.000m2, 736 hộ bị giải tỏa, tổng kinh phí đền bù gần 44 tỷ đồng. Mở rộng đường tỉnh 885 (từ cầu Bình Chánh đến đầu tuyến tránh Thị trấn Giồng Trôm) dài gần 24km, 200 hộ bị giải tỏa. Mở rộng đường huyện 10 (từ đường tỉnh 885 đến cống Bình Đông) dài 2km. Mở rộng đường tỉnh 887 (từ cầu Nguyễn Tấn Ngãi đến ngã ba Sơn Đốc) dài 12km, 429 hộ bị giải tỏa. Mở rộng đường (từ đường tỉnh 885 đến UBND xã Phong Mỹ) dài 2,76km. “Chúng tôi rất cảm động khi người dân hưởng ứng bằng cách không nhận tiền đền bù. Tổng số đất không đền bù gần 89.000m2” - ông Khiết xúc động.
Từ năm 2011 đến nay, Giồng Trôm thi công đưa vào sử dụng thêm 129 cây cầu bê-tông, gần 112km đường nhựa và bê-tông. Hiện nay, Giồng Trôm có 7 xã hoàn thành nhựa hóa, bê- tông hóa đường huyện, liên xã, liên ấp, liên xóm, như: Châu Bình, Tân Lợi Thạnh, Tân Thanh, Lương Phú, Thuận Điền, Lương Hòa và Mỹ Thạnh. Trong đó, Châu Bình đứng đầu về xây dựng GTNT. Năm 2005, Châu Bình được Bộ Giao thông vận tải tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng GTNT.
Nguồn: Báo Đồng Khởi