Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 11 HTX vận tải; 59 công ty cổ phần, công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân với 16.668 phương tiện vận tải hàng hóa, 6.733 xe con, xe du lịch, 2.159 xe khách, 204 xe buýt; 20 bến xe ô tô khách.
Thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa đã phối hợp với Ban Chỉ đạo 127 tỉnh, thành lập đoàn kiểm tra các doanh nghiệp vận tải hành khách về kê khai và niêm yết giá cước, tăng cường công tác quản lý các tuyến vận tải hành khách cố định. Đặc biệt vào dịp cuối năm, Sở Giao thông Vận tải và Công an tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch nhằm phối hợp tổ chức vận tải, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với xe ô tô khách trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, việc vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) của xe ô tô nói chung, xe ô tô khách nói riêng có chiều hướng gia tăng và khi chiến dịch kết thúc, vắng bóng các lực lượng chức năng thì đâu lại vào đó; trong đó, có việc xe ô tô khách tua lượn, dừng, đón, trả khách không đúng quy định.
Thời gian qua, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh của người dân, tâm tư của một số người có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý và vận tải hành khách bằng xe ô tô, cũng như trực tiếp khảo sát ở hầu hết trung tâm các huyện, thị xã, thành phố có bến xe ô tô khách, cho thấy ngày càng có nhiều vi phạm trong vận tải hành khách bằng xe ô tô, gây mất trật tự ATGT, người chịu thiệt thòi nhất chính là những người dân lựa chọn đi lại bằng xe ô tô khách. Tuy chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng theo khảo sát thực tế của chúng tôi, hiện có đến 40% xe ô tô chở khách là do tư nhân đầu tư mua sắm nhưng đứng tên các doanh nghiệp, HTX vận tải. Hầu hết các xe này hoạt động trôi nổi, thiếu sự quản lý, các doanh nghiệp, HTX vận tải chủ yếu thu lệ phí hàng tháng theo thỏa thuận. Nhiều tư nhân đầu tư mua xe với số tiền lớn, xe của doanh nghiệp thì mức khoán quá cao, dẫn đến xe ô tô khách tua lượn, dừng đón, trả khách, chở quá số người quy định, không niêm yết giá vé, thu tiền cao hơn so với quy định, rượt đuổi nhau trên đường để tranh giành khách... là điều khó tránh khỏi? Một số xe vận tải khách theo tuyến cố định khi đưa xe vào bến nhưng thiếu hợp tác, không đưa vé để bến xe bán phục vụ hành khách hoặc đưa ít vé và ra ngoài đường đón khách thu giá vé cao hơn quy định. Ngoài 3 bến xe khách tại TP Thanh Hóa và bến xe khách Bỉm Sơn, bến xe khách Sầm Sơn, còn lại các bến xe khách ở các huyện hoạt động không hiệu quả. Các bến xe chưa được chủ đầu tư (chủ yếu doanh nghiệp tư nhân, HTX) chú trọng đầu tư xây dựng, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, chưa bảo đảm tiêu chuẩn phục vụ xe và hành khách...
Nguyên nhân chủ yếu của việc bến xe chưa được đầu tư là do phần lớn xe khách ở các huyện không vào bến, xe tua lượn đón khách, nhà xe dùng xe ô tô 12 đến 16 chỗ ngồi đi gom khách đến một địa điểm đã được quy định trước và khi xe chuẩn bị xuất phát, nhà xe cử người đến bến xe đóng dấu vào sổ nhật trình (thậm chí nhiều bến xe đóng dấu sổ nhật trình ở nhà, đóng dấu ngày hôm trước); gần đây xuất hiện tình trạng một số xe ô tô khách không có sổ nhật trình nhưng vẫn vận chuyển khách ở các địa phương trong tỉnh (kể cả TP Thanh Hóa), bãi đỗ xe vừa thiếu vừa chưa được quan tâm quy hoạch, đầu tư xây dựng, xe ô tô khách ít gửi ở các bến xe qua đêm; ước tính có hơn 50% số xe ô tô khách đậu, đỗ tự do trên các tuyến đường, mà chủ yếu ở trung tâm các huyện, thị xã, thành phố. Hàng ngày, nhất là những ngày nghỉ lễ, ngày Tết, dịp tuyển sinh đại học, đi dọc tuyến Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 45, Quốc lộ 47 qua khu vực đông dân cư, nhiều tốp người đứng chờ đi xe lấn chiếm lòng, lề đường gây mất trật tự ATGT. Địa bàn TP Thanh Hóa, trên đường Nguyễn Trãi (từ Bến xe khách phía Tây đến Quốc lộ 1A), tuyến Quốc lộ 1A qua trung tâm TP Thanh Hóa, nhiều xe ô tô khách dừng đón, trả khách không đúng quy định. Từ cuối năm 2010 đến nay, hàng ngày có nhiều xe của Nhà xe Thiên Việt (biển kiểm soát 29Z) hoạt động trôi nổi trên nhiều tuyến đường ở TP Thanh Hóa để đón, trả khách. Xe ở các huyện đi qua địa bàn TP Thanh Hóa cũng dừng đón khách không đúng quy định. Giờ nghỉ hàng ngày, nhất là vào ban đêm, nhiều tuyến đường, khu vực trên địa bàn thành phố, nhiều xe khách đậu đỗ không đúng quy định, lấn chiếm lòng lề đường, gây mất ATGT. Ngoài ra, trên địa bàn TP Thanh Hóa, hiện có một số nhà xe như: Công ty Dịch vụ Thương mại và Vận tải Hải Hiền, Nhà xe Sơn Tùng..., xe khách hoạt động không có 2 đầu bến, đón khách tại nhà..., với chiêu bài vận tải khách theo dạng hợp đồng; nhưng thực tế không có hợp đồng, không có danh sách hành khách theo quy định.
Để xe ô tô khách hoạt động theo đúng quy định về vận tải hành khách bằng xe ô tô, bảo đảm đi lại thuận lợi cho nhân dân, góp phần bảo đảm trật tự ATGT, điều quan trọng nhất là trách nhiệm, ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật đối với chủ doanh nghiệp, của lái, phụ xe phải được đặt lên hàng đầu. Người dân không đứng dọc các tuyến đường, các điểm không đúng quy định để đón xe khách. Các ngành, các cấp, các doanh nghiệp vận tải chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự ATGT, quy định vận tải khách bằng xe ô tô đến các tầng lớp nhân dân, đội ngũ lái, phụ xe. Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm của xe ô tô khách; nhất là xe khách tua lượn, dừng đón, trả khách không đúng quy định.
Nguồn: Báo Thanh Hóa