Phú Tân, Cà Mau là huyện vùng nông thôn, sông ngòi chằng chịt, kết cấu hạ tầng giao thông xuất phát điểm thấp.
Nhưng với sự quan tâm đúng mức của Đảng bộ, chính quyền, các ngành, các cấp và nhân dân trong huyện, sau gần 10 năm xây dựng và phát triển, giao thông Phú Tân có bước phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Huyện Phú Tân được tái lập vào ngày 1/1/2004, tổng diện tích 43.300 ha và 104.000 dân. Tiềm năng kinh tế động lực là nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản và dịch vụ. Xuất phát điểm về hạ tầng giao thông bấy giờ chỉ với 10 km lộ bê-tông, 30 cây cầu sắt và bê-tông.
Hệ thống giao thông từ huyện nối Quốc lộ 1 còn đang xây dựng dở dang, giao thông liên xã, liên huyện hầu như chưa có gì, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Phú Tân bấy giờ còn nằm trong tình trạng huyện nghèo, chậm phát triển, công tác quy hoạch và phát triển quy hoạch còn nhiều bất cập.
Xuất phát từ nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tháng 5/2007, Huyện uỷ Phú Tân đề ra Nghị quyết số 04 về phát triển giao thông vận tải đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Ông Ngô Thanh Lõi, Phó Bí thư Huyện uỷ Phú Tân, cho biết, thực hiện Nghị quyết số 04 của Huyện uỷ Phú Tân, sau gần 10 năm tái lập, huyện có những bứt phá ngoạn mục về kết cấu hạ tầng giao thông. Nhiều tuyến lộ đấu nối với Quốc lộ 1, lộ liên huyện và có nhiều tuyến đường ô-tô về xã, hệ thống giao thông liên xã, liên ấp phát triển nhanh.
Đến nay, toàn huyện xây dựng được 200 km lộ nhựa, 450 km lộ-bê tông và 338 cầu sắt, cầu bê-tông. Riêng các xã, thị trấn đã thực hiện hoàn thành gần 400 km lộ đất đen, trên 222 km lộ bê-tông với tổng vốn đầu tư trên 69 tỷ đồng theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, có 80% lộ giao thông về đến xóm, ấp. 6/9 tuyến lộ nhựa về trung tâm, còn 3: tuyến Nguyễn Việt Khái, Phú Tân và Rạch Chèo dự kiến trong quý II/2013 sẽ xong.
Song song với phát triển lộ giao thông, công tác bảo quản được xã hội hoá mạnh mẽ. Các địa phương phân cấp quản lý theo từng tổ và từng tuyến đường.
Công việc này được đồng thuận cao trong nhân dân, cứ một tuyến đường có từ 3-5 tổ phụ trách việc đóng góp của nhân dân để bảo vệ chống sạt lở các công trình giao thông. Hiện có hơn 80% ấp trong huyện đã thực hiện công việc này.
Tuyến lộ từ Quốc lộ 1 địa bàn huyện Cái Nước về Phú Tân có chiều dài 27 km, qua nhiều xã trong huyện và tuyến từ Quốc lộ 1 đoạn xã Hưng Mỹ (huyện Cái Nước) về căn cứ Tỉnh uỷ Xẻo Đước qua 2 xã: Phú Thuận, Phú Mỹ của huyện Phú Tân là 2 tuyến lộ huyết mạch.
Từ 2 tuyến lộ chính này, đã có thêm nhiều tuyến ô-tô được đấu nối để nâng chiều dài lộ nhựa đạt tiêu chuẩn cấp V, cấp VI đồng bằng về trung tâm huyện và các xã. Những con lộ này góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện Phú Tân.
Ông Nghê Minh Hào, Bí thư Đảng uỷ xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, phấn khởi cho biết, xã thực thiện điện khí hoá nông thôn, giờ đây từ tuyến lộ chính đi qua xã, các tuyến giao thông xóm, ấp cũng được xây dựng. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu đi lại, trao đổi hàng hoá, góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, tạo nền tảng để xã thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Thị trấn Cái Đôi Vàm có 7 khóm, 4 ấp với 3.590 hộ dân, tiềm năng kinh tế là nuôi trồng, khai thác thuỷ sản và dịch vụ nghề cá, là thị trấn trung tâm huyện Phú Tân.
Ông Lê Hồ Út, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm, cho biết: “Trước khi thành lập huyện, lộ giao thông ở thị trấn chủ yếu bằng đất đen. Hiện nay, toàn bộ địa bàn thị trấn được bê-tông hoá, nhờ vậy rất thuận lợi cho việc giao lưu mua bán, vì vậy tình hình kinh tế thị trấn hiện rất phát triển”.
Nguồn: Báo Cà Mau