Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, giao thông là một trong 19 tiêu chí. Theo đó, mục tiêu phát triển giao thông nông thôn đến năm 2020 là 100% đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn; 100% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện... Tuy vậy, hiện nay, riêng đường trục thôn xóm mới đạt chuẩn khoảng 10%, còn các tuyến đường giao thông nội đồng hiện nay chủ yếu là đường đất.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hưng Yên, toàn tỉnh có trên 6000km đường giao thông, trong đó, trên 5000km đường giao thông nông thôn. 10 năm qua, toàn tỉnh đã nâng cấp được khoảng 2000 km đường các loại với kinh phí trên 800 tỷ đồng. Mặc dù đã có bước phát triển khá, bước đầu huy động được nhiều nguồn vốn đầu tư cho phát triển hệ thống đường GTNT nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu do khối lượng cần đầu tư rất lớn trong khi nguồn kinh phí còn rất hạn chế. Giải pháp cứng hóa đường GTNT trên địa bàn tỉnh nói riêng và trong cả nước nói chung đến nay vẫn sử dụng công nghệ thi công truyền thống là làm móng cấp phối đá dăm, mặt đường bê tông xi măng, đá thải... có giá thành cao, trong khi đó số lượng đường GTNT chưa được nâng cấp còn rất lớn. Vì vậy, việc nghiên cứu sử dụng vật liệu tại chỗ có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong xây dựng đường GTNT của tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu này, với sự hỗ trợ của Bộ GTVT, việc nghiên cứu ứng dụng đã được Sở GTVT Hưng Yên quan tâm. Một số vật liệu mới đã được Sở GTVT ứng dụng thử nghiệm cho làm đường GTNT như: ứng dụng vật liệu SA44-LS40 gia cố với vôi và đất. Tiếp đó là các loại vật liệu mới của dự án giao thông nông thôn 2 với các loại kết cấu lớp móng dưới cát gia cố xi măng; mặt bê tông xi măng cốt tre; lớp móng dưới đá dăm, mặt gạch xếp nghiêng, gạch xi măng, láng nhựa... Qua thời gian thử nghiệm cho thấy, dù đều có ưu điểm, nhưng các loại vật liệu này đều khó đưa vào ứng dụng rộng rãi trong thực tế.
Kiên trì thực hiện cùng sự giúp đỡ của Bộ Giao thông - Vận tải, Sở GTVT Hưng Yêni chủ động phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, ứng dụng chất HRB gia cố đất làm lớp móng đường giao thông nông thôn. Đây là công nghệ mới sử dụng chất HRB trộn đều với đất, cát, đá mi theo tỷ lệ nhất định, tạo thành hỗn hợp có tính đông kết, cường độ đàn hồi cao, thích hợp trong sử dụng làm lớp móng mặt đường giao thông thay thế lớp móng đường bằng đá cấp phối, đá dăm truyền thống. Ưu điểm của vật liệu mới này là công nghệ thi công đơn giản, người dân có thể tự tổ chức thi công; tận dụng được máy móc, nhân công và nguyên liệu đất cát tại chỗ của địa phương; kết cấu gia cố có khả năng chịu được nước hơn so với cấp phối đá dăm, chi phí bảo trì thấp, quá trình sửa chữa hư hỏng đơn giản; cùng với đó, hạn chế phải mua nguyên vật liệu so với sử dụng các vật liệu khác trong làm đường nên chi phí rẻ hơn rất nhiều…
Tính đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng 25 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 29km bằng vật liệu mới HRB gia cố đất làm lớp móng đường. Theo đánh giá của các chuyên gia, qua quá trình khai thác, các tuyến đường có nền mặt đường ổn định và không bị biến dạng... Bên cạnh việc sử dụng vật liệu HRB làm lớp móng đường, để tăng cường chất lượng và tuổi thọ công trình, Sở GTVT còn đưa vào ứng dụng lớp mặt nhựa colas, phủ mặt trên lớp móng đất gia cố HRB giúp cho đường đạt các yêu cầu đề ra. Lớp mặt nhựa colas có công nghệ thi công đơn giản, sử dụng máy trộn bê tông để trộn hỗn hợp cấp phối, giá thành hạ, mặt đường phẳng và nhẵn hơn láng nhựa không ô nhiễm môi trường và an toàn cho người lao động. Đáng chú ý là cùng với ưu thế về kỹ thuật như đã nói, hiệu quả kinh tế cũng vượt trội khi sử dụng chất HRB gia cố đất làm lớp móng đường và lớp mặt nhựa colas. Theo tính toán của Sở GTVT vật liệu này có giá thành thấp hơn so với mặt đường cấp phối đá dăm truyền thống khoảng 15% và thấp hơn so với mặt đường bê tông xi măng là 25%...
Với các ưu điểm đó, theo Sở GTVT, vật liệu này không chỉ được sử dụng làm lớp móng mặt đường thay thế lớp móng đường bằng đá cấp phối, đá dăm truyền thống, mà nó sẽ giải quyết hữu hiệu được bài toán hóc búa khi “cứng hóa” đường giao thông nông thôn, nhất là đường nội đồng theo chuẩn nông thôn mới trong bối cảnh khó khăn về huy động các nguồn vốn hiện nay. Thực tế, việc vận động đầu tư nâng cấp đường ra đồng bằng các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước như: nguồn đóng góp tự nguyện của nhân dân, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân… được đánh giá là rất khó khăn...
Dẫn chúng tôi đi thăm con đường bằng vật liệu mới của địa phương vừa được đầu tư xây dựng từ năm 2011, ông Phạm Xuân Giao, Chủ tịch UBND xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) cho biết: Xã được Sở GTVT đầu tư xây dựng gần 2 km đường ra đồng bằng vật liệu mới. Lớp móng đường được làm bằng đất, gia cố chất HRB, mặt cứng hóa với chiều rộng bề mặt là 3m. Trước đây, con đường này chỉ là đường đất, chật hẹp, bà con nông dân đi lại, vận chuyển thóc lúa rất cực nhọc, nhất là khi trời mưa, đường trơn, bùn đất quánh lại. Từ khi con đường mới được đưa vào khai thác, qua 3 vụ sản xuất, nông dân địa phương rất phấn khởi, việc sản xuất, vận chuyển hàng hóa nông sản thuận lợi hơn trước rất nhiều…
2200km. Theo tiêu chí nông thôn mới, đường trục chính nội đồng được tính là đạt chuẩn khi đã được “cứng hóa”, xe cơ giới đi lại thuận tiện, với bề rộng lòng đường là 3,5-4m. Đến nay, mới có hơn 200 km đường trục chính nội đồng được “cứng hóa”, chiếm tỷ lệ 10%. Trong đó, đường đạt chuẩn theo tiêu chí là hơn 10km (chiếm khoảng 0,5%). Toàn tỉnh hiện còn khoảng gần 2000 km cần được cứng hóa, chiếm 90%. Cùng với đó, là khoảng 20% đường trục thôn xóm cần được “cứng hóa”...
Với nhu cầu đầu tư nâng cấp, “cứng hóa” hàng ngàn km đường GTNT trong những năm tới trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế thì việc ứng dụng thành công vật liệu mới và chuyển giao công nghệ nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh sẽ mở ra hướng đi mới trong xây dựng đường GTNT, góp phần hoàn thành tiêu chí “cứng hóa” đường GTNT trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nguồn: Báo Hưng Yên