Sáng 3/9, đoàn giám sát HĐND tỉnh Khánh Hòa về chuyên đề “Việc triển khai và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn tỉnh” có buổi làm việc với lãnh đạo Sở GTVT xung quanh việc thực hiện tiêu chí giao thông trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở GTVT Khánh Hòa, từ khi thực hiện chương trình XDNTM đến tháng 6/2013, hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn, miền núi (GTNT-MN) trên địa bàn tỉnh phát triển về số lượng và chất lượng; chiều dài đường bộ đường tỉnh, mặt đường bê tông hóa, nhựa hóa, cứng hóa tăng lên, mặt đường đất giảm dần. Tuy nhiên, đánh giá theo 4 tiêu chí: Đường huyện, xã, ngõ xóm, nội đồng thì tỷ lệ đường đất còn cao, đặc biệt là ở thị xã Ninh Hòa (còn 71,22%), tiếp đến là các huyện: Vạn Ninh, Cam Lâm, Diên Khánh. Mạng lưới GTNT ở những vùng sâu, vùng xa, vùng nội đồng và sản xuất cây công nghiệp chưa liên hoàn, đồng bộ. Đến tháng 8/2013, có 15/94 xã đạt tiêu chí giao thông (chiếm 15,96%), trong đó có 6 xã thuộc danh mục 20 xã tập trung đầu tư. Đến năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu có 52 xã đạt tiêu chí này. Theo đó, nhu cầu vốn cần thực hiện để đến năm 2015, 37 xã (trừ các xã đã đạt) đạt tiêu chí giao thông là 907,28 tỷ đồng và 79 xã còn lại đạt tiêu chí này là 1.937,16 tỷ đồng. Lãnh đạo Sở GTVT Khánh Hòa đã nêu một số vướng mắc khi triển khai chương trình, đồng thời đề nghị HĐND tỉnh quan tâm kiện toàn công tác quản lý phù hợp với quy mô và nhu cầu khai thác sử dụng mạng lưới đường GTNT-MN; hàng năm phân bổ kế hoạch vốn bảo dưỡng thường xuyên theo phân cấp quản lý; điều chỉnh cơ cấu vốn phù hợp, ưu tiên cho 20 xã tập trung đầu tư để đến năm 2015 có 8 đến 10 xã đạt 19/19 tiêu chí XDNTM, số xã còn lại đạt 15 đến 18 tiêu chí.
Tại buổi làm việc, ông Trần An Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, Sở GTVT cần rà soát lại quy hoạch giao thông, đồng thời có định hướng về kỹ thuật xây dựng hạ tầng giao thông cho cấp cơ sở. Sở cần tham gia cùng Văn phòng Điều phối chương trình XDNTM trong việc huy động nguồn lực cộng đồng và phân bổ nguồn kinh phí hợp lý, cần đầu tư vào nơi nào huy động được nguồn lực tốt nhất; cần làm rõ lộ trình cho 20 xã đầu tư trọng điểm, tạo cơ chế phân bổ phù hợp. Đối với việc duy tu, bảo dưỡng đường bộ, cần xem Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương như một cơ hội trong XDNTM, từ đó lựa chọn cơ chế đầu tư thích hợp, tối ưu…/.
Nguồn: Báo Khánh Hòa