Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn (GTNT) được tỉnh Tuyên Quang chọn là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới, làm sức bật để đổi mới, phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Qua 2 năm thực hiện, toàn tỉnh Tuyên Quang đã làm được trên 1.000 km đường bê tông thôn bản, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Theo kế hoạch thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn của tỉnh Tuyên Quang, trong 5 năm (2011 - 2015) toàn tỉnh phấn đấu làm 2.183,88 km, đến hết năm 2012 các địa phương đã làm được gần 1.200 km, đạt trên 50% kế hoạch 5 năm. Trong đó, riêng năm 2012, tỉnh có kế hoạch làm 470 km, phân bổ kinh phí hỗ trợ 136 tỷ đồng mua xi măng, ống cống và kinh phí quản lý. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, các huyện, thành phố, xã, thị trấn đã tích cực vận động nhân dân hưởng ứng chương trình làm đường GTNT với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Việc triển khai thực hiện ở cơ sở đã phát huy được quyền dân chủ, sức mạnh của cộng đồng dân cư theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Sau một thời gian thực hiện, chương trình đã thực sự đi vào cuộc sống và được bà con khắp các thôn bản từ vùng thấp đến vùng cao hưởng ứng nhiệt tình. Theo đó hết năm 2012, toàn tỉnh Tuyên Quang bê tông hóa được trên 569 km đường GTNT, đạt 121% kế hoạch năm. Dẫn đầu là huyện Sơn Dương 171 km; Yên Sơn 161 km; Chiêm Hóa 80 km; Hàm Yên 70 km; thành phố Tuyên Quang 48 km; Nà Hang 25 km; Lâm Bình 20 km. Nhiều xã làm đường bê tông vượt kế hoạch, như: Mỹ Bằng, Nhữ Hán (Yên Sơn); Cấp Tiến (Sơn Dương); Phúc Thịnh (Chiêm Hóa); Tân Thành (Hàm Yên); Thượng Nông (Nà Hang); phường Ỷ La (thành phố Tuyên Quang)…
Kết quả này thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng cao từ các cấp ủy Đảng, chính quyền đến người dân. Đặc biệt, đóng góp của nhân dân về công lao động, tiền, vật tư trong 2 năm qua đạt trên 300 tỷ đồng, hơn 100 hộ hiến trên 15.000 m2 đất. Nhiều xã có tỷ lệ đường bê tông gần khép kín như Mỹ Bằng (Yên Sơn); Tràng Đà (thành phố Tuyên Quang); Sơn Nam, Cấp Tiến (Sơn Dương)…
Trong quá trình thực hiện, việc cung ứng xi măng, ống cống cơ bản đáp ứng được nhu cầu về tiến độ thực hiện bê tông hóa trên địa bàn. Trong năm 2012, tỉnh đã cung ứng 114.041 tấn xi măng, 12.865 ống cống các loại. Việc giao nhận xi măng, ống cống được thực hiện nghiêm ngặt với sự có mặt của 3 bên là UBND xã, đơn vị cung ứng và ban quản lý xây dựng của thôn, xóm, tổ nhân dân. Công tác quản lý, bảo quản xi măng, ống cống được thực hiện chặt chẽ, không sảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí.
Huyện Sơn Dương là huyện đứng đầu trong tỉnh Tuyên Quang về tiến độ và số lượng làm đường bê tông nông thôn. Năm 2012, huyện có kế hoạch làm 160 km đường bê tông thôn bản, đến hết năm đã hoàn thành trên 171,2 km, đạt 107% kế hoạch năm, đưa tổng số đường thôn bản trong huyện được bê tông lên trên 459 km.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương Nguyễn Văn Hiền, phấn khởi cho biết: Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn thực sự đem lại diện mạo mới cho các thôn, xóm của huyện. Cách đây 5 năm, đường thôn bản ở các xã chủ yếu là đường đất rất khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng hạ huyện, như: Đại Phú, Hào Phú, Phú Lương, Hồng Lạc, Đông Thọ… Từ khi có chủ trương bê tông hóa đường thôn, bà con hưởng ứng nhiệt tình, nhiều hộ đã tự nguyện hiến đất, góp tiền để không phải đi trên “con đường khổ ải” mỗi khi trời mưa. Anh Trần Duy Lợi, xã Đại Phú (Sơn Dương) cho biết, trước đây mỗi lần trời mưa đường vào thôn lầy lội không thể đi được xe, anh phải vác xe đạp ra đường liên xã mới đi được, nhưng bây giờ đi từ huyện về đến nhà xe máy vẫn sạch.
Xã Phú Lương (Sơn Dương) hôm nay đã đổi mới rất nhiều, những ngôi nhà xây khang trang, những con đường bê tông sạch sẽ dẫn vào tận ngõ xóm. Ông Lý Văn Hoa, Chủ tịch UBND xã khẳng định, xác định bê tông hóa đường giao thông nông thôn là một trong những biện pháp đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương nên cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai các biện pháp lãnh đạo hiệu quả, trọng tâm là tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu được ý nghĩa to lớn của phong trào này. Sự đồng thuận trong nhân dân là tiền đề để xã hoàn thành mục tiêu cơ bản bê tông hóa đường giao thông vào năm 2015. Mỗi nhân khẩu trong xã tự nguyện đóng góp ít nhất là 250.000 đồng, nhiều nhất là 1,5 triệu đồng để làm đường bê tông. Năm 2012, xã bê tông được hơn 8 km đường giao thông nông thôn, nâng số đường thôn bản được bê tông hóa lên 19 km ở tất cả 11 thôn, đạt 120% kế hoạch năm. Ông Nguyễn Văn Tuyên, thôn Gia Lập người đã tự nguyện đóng góp 140 triệu đồng tiền tiết kiệm của gia đình bấy lâu nay cho thôn làm đường. Ông phấn khởi nói: “Có đường là có cả tương lai, bọn trẻ đi học thuận lợi, bà con có nông sản đem bán cũng không ngại, xe vào chở mía không pan lầy, ngần ấy lý do đủ để quyết tâm phải làm bằng được đường”. Những lý do ông Tuyên đưa ra, mới nghe thấy đơn giản nhưng đó lại chính là cuộc sống thường nhật gắn với những con người ở đây, gắn với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Những con đường bê tông không chỉ làm thay đổi bộ mặt những xóm làng nơi thôn dã, còn là “đòn bẩy” để kêu gọi đầu tư, thông thương hàng hóa, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Theo báo Tuyên Quang