Bà Rịa - Vũng Tàu: Nâng cao hiệu quả hoạt động của các bến xe khách

Thứ ba, 22/01/2013 20:44
Hiện nay hầu hết các huyện, thành phố đều có các bến xe phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, không phải bến xe nào cũng phát huy hiệu quả và công năng sử dụng.

Hiện nay hầu hết các huyện, thành phố đều có các bến xe phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, không phải bến xe nào cũng phát huy hiệu quả và công năng sử dụng.

Kể từ khi đi vào hoạt động (tháng 10/2004) đến nay, chưa bao giờ bến xe Bà Rịa bị quá tải hay hoạt động hết công suất vì lượng hành khách quá ít. Trong khi đó bến xe được đầu tư khá khang trang và hiện đại với đầy đủ các hạng mục như phòng vé, phòng chờ hành khách, phòng điều độ... trên diện tích rộng hơn 15.000m2, đủ chỗ đậu cho hàng trăm xe khách.

Trước tình hình bến xe Bà Rịa hoạt động không hiệu quả, năm 2012, UBND TP. Bà Rịa đã đề xuất UBND tỉnh
Bà Rịa - Vũng Tàu cho chuyển đổi công năng bến xe này thành khu dịch vụ thương mại. Về vấn đề này, ông Dương Viết Tri, Trưởng phòng Quản lý phương tiện vận tải và người lái Sở GTVT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện nay UBND tỉnh đã chấp thuận thu hồi hơn 1,3ha đất và tài sản trên đất của Bến xe khách Bà Rịa để giao cho Ban Quản lý chợ Bà Rịa -UBND TP. Bà Rịa quản lý, sử dụng và thực hiện đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Đồng thời, giao trách nhiệm cho Sở GTVT sắp xếp, cơ cấu tổ chức Ban quản lý bến xe Bà Rịa cho phù hợp tình hình thực tế. Giao nhiệm vụ cho UBND TP.Bà Rịa phối hợp với các sở: Xây dựng, GTVT, Tài nguyên - Môi trường nghiên cứu, khảo sát tìm vị trí bến xe khách Bà Rịa (mới) phù hợp với quy hoạch và các quy định có liên quan.

Tương tự, dự án xây dựng bến xe huyện Tân Thành được UBND tỉnh cho phép Công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng TP. Hồ Chí Minh (IDI - nay là Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng TP.Hồ Chí Minh IDIJSC) đầu tư xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Theo đó, ngày 21/10/2003, UBND huyện Tân Thành và Công ty IDI đã chính thức ký hợp đồng kinh tế xây dựng - kinh doanh - chuyển giao công trình bến xe huyện Tân Thành, với tổng giá trị hợp đồng hơn 13,5 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp và các chi phí khác là 10,5 tỷ đồng, còn lại là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (chủ đầu tư vay từ ngân sách địa phương).

Khởi công năm 2003 và theo hợp đồng, trong năm 2004, bến xe khách Tân Thành sẽ được đưa vào sử dụng (thời gian khai thác và chuyển giao công trình là 25 năm), tuy nhiên, đến nay công trình vẫn chưa hoàn thành. Theo cam kết tại hợp đồng BOT, thời gian cam kết hoàn thành dự án đã chậm đến 8 năm. Nhà đầu tư cũng chỉ mới xây dựng nhà điều hành, các ki ốt bán hàng, đường nội bộ, cổng tường rào và 2 nhà bảo vệ, khối nhà thép tiền chế, trạm xăng dầu.

Trước thực trạng bến xe Tân Thành kéo dài lâu chưa hoàn thành, thêm vào đó Công ty IDI không hoàn ứng đúng thời hạn cam kết số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng mà UBND huyện Tân Thành đã ứng ra cho công ty thực hiện chi trả cho dân, chính quyền địa phương đã kiến nghị tỉnh thu hồi dự án này. Hiện đoàn thanh tra tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường lập các thủ tục cần thiết theo quy định để thu hồi diện tích 23.317,9m2 đất do Công ty IDI làm chủ đầu tư. Giao UBND huyện Tân Thành rà soát hồ sơ, chứng từ pháp lý khởi kiện Công ty IDI ra tòa án để giải quyết theo quy định của pháp luật. Đồng thời, giao trách nhiệm cho các sở, ngành liên quan xem xét, buộc Công ty IDI thanh toán tiền thuê 23.317,9m2 đất (thời gian thuê từ năm 2003 đến nay) do công ty này thực hiện không đúng và đủ theo cam kết tại hợp đồng dự án.

Nằm ngay khu vực trung tâm thị trấn Phước Bửu, song thời gian qua lượng khách đến với bến xe Xuyên Mộc chưa nhiều. Hiện nay nhiều hạng mục tại bến xe xuống cấp, không hấp dẫn hành khách vào bến. Thêm vào đó các phương tiện vào bến cũng ngày càng ít đi. Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Trưởng bến xe huyện Xuyên Mộc, lý do bến chưa thu hút được nhiều khách vì bến xe chỉ đạt tiêu chuẩn bến xe ô tô khách loại 5. Theo quy định của Bộ GTVT, bến xe loại 5 thì không được tiếp nhận các tuyến vận tải khách có cự ly hơn 300km, điều này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho khách có nhu cầu đi lại và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Hoa cho biết, với quy định này, thời gian tới sẽ có hàng chục xe chạy tuyến đường dài đi các tỉnh: Cà Mau, Trà Vinh, Đà Lạt, Sóc Trăng bỏ bến.

Để được công bố bến xe ô tô khách loại 4 đủ điều kiện “đón” các phương tiện chạy tuyến đường dài vào bến hoạt động, hiện Sở GTVT đã đề nghị Ban quản lý bến xe ô tô khách huyện Xuyên Mộc báo cáo cơ quan có thẩm quyền sớm có giải pháp đầu tư, nâng cấp cải tạo các hạng mục công trình của bến.

Bỏ ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây dựng các bến xe nhưng lại không phát huy hết công năng sử dụng quả là một sự lãng phí, đặc biệt là trong thời điểm hiện tại khi mà diện tích đất công do Nhà nước quản lý không còn.

Theo ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở GTVT Bà Rịa - Vũng Tàu, thời gian tới ngoài việc tăng cường quản lý hoạt động vận tải khách liên tỉnh, vận chuyển hành khách bằng taxi, ngành GTVT tải sẽ tập trung đầu tư xây dựng bến xe khách liên tỉnh tại Vũng Tàu và bến xe Tân Thành; Cải tạo, nâng cấp bến xe Xuyên Mộc đạt tiêu chuẩn bến xe loại 4. Đồng thời, mở thêm các tuyến xe khách liên tỉnh đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân./.

Theo báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:27965
Lượt truy cập: 182.297.161