Khát vọng khai thông con đường ven biển, “dải lụa” nối kết các khu kinh tế, khu du lịch vùng đông Quảng Nam với cả khu vực, chưa bao giờ hết thôi thúc lòng người xứ Quảng. Nhưng muốn hiện thực hóa khát vọng ấy, trước hết phải tìm cách giải quyết bài toán vốn cho cầu Cửa Đại, một công trình trọng yếu vượt sông Thu Bồn…
Năm 2006, 2007 sau hai trận bão kinh hoàng (Xangsane và Chanchu); với trách nhiệm trước dân, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã nghĩ đến việc phải sắp xếp lại dân cư ven biển. Mục tiêu chính là di dời, sắp xếp lại hơn 10 nghìn hộ dân thuộc vùng ven biển và xây dựng cơ sở hạ tầng các khu dân cư tập trung có mức độ an toàn cao hơn, kích cầu đầu tư vùng ven biển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...
Dự án cầu Cửa Đại nằm trên đường tránh lũ của dự án Tổng thể sắp xếp dân cư ven biển. Đây là dự án trọng điểm của tỉnh để khai thông kết nối đường ven biển từ Đà Nẵng - Chu Lai - Dung Quất, đặc biệt là Khu Kinh tế mở (KTM) Chu Lai; đồng thời có thêm chức năng cứu hộ cứu nạn, đường thoát lũ duy nhất không bị ngập khi Quảng Nam bị lũ quét. Công trình cầu Cửa Đại nói riêng và cả tuyến ven biển nói chung cần một nguồn vốn rất lớn, ngân sách địa phương không thể nào kham nổi.
Trong giai đoạn đầu, qua xúc tiến đầu tư của tỉnh, 2 doanh nghiệp là Tập đoàn Sama Dubai và Tập đoàn VinaCapital đã được tạo điều kiện triển khai dự án. Tín hiệu mừng vừa lóe sáng thì rủi thay, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, Tập đoàn Sama Dubai dừng đầu tư. Phía Tập đoàn VinaCapital liên doanh với Tập đoàn Genting đầu tư vào dự án Tổng thể; thể hiện thiện chí đầu tư khi đặt tiền “thế chân” khoảng 200 tỷ đồng. Nhưng trước mắt, để kết nối được vùng, phải có cầu Cửa Đại. Cái khó đặt ra là tìm được nhà đầu tư đủ năng lực khai thác quỹ đất để có vốn xây cầu. Quá trình tiếp tục xúc tiến và tìm được nhà đầu tư đáp ứng được yêu cầu này là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5). Bài toán vốn từ không biến thành có bắt đầu được giải.
Nhân một chuyến làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ thống nhất đầu tư cho cầu Cửa Đại theo cơ chế hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư dự án (2.480 tỷ đồng), phần còn lại được địa phương khai thác từ quỹ đất và các nguồn vốn hợp pháp khác. Chủ trương như vậy nhưng tìm đâu ra vốn để đối ứng?
Năm 2009, tỉnh giao Cienco 5 đầu tư 830ha đất thô tương ứng 624 tỷ đồng, đủ vốn mở thầu, triển khai dự án. Ngày 28.8.2009, công trình cầu Cửa Đại được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công trong điều kiện nguồn vốn hết sức hạn hẹp. Dù vậy, số vốn bố trí cho dự án (từ 2009-2011) vẫn ưu tiên chủ yếu cho công tác giải phóng mặt bằng. Phần vốn bố trí cho các gói thầu xây lắp chỉ đảm bảo tối thiểu tạm ứng hợp đồng 10%. Do nguồn vốn thanh toán bị thiếu hụt nên tiến độ thực hiện dự án bị chậm, các nhà thầu xây lắp thi công cầm chừng để trông chờ vốn.
Sau 30 tháng từ ngày khởi công, tháng 3.2012, UBND tỉnh cho tạm ứng 50 tỷ đồng để thanh toán khối lượng đã nghiệm thu, các nhà thầu tập trung thi công trở lại. Do điều kiện về nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu bị hạn chế, sau rất nhiều nỗ lực của tỉnh, dự án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào nhóm công trình cấp bách thực hiện từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) giai đoạn 2012-2015. Tiếp đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư giao chỉ tiêu kế hoạch vốn TPCP giai đoạn 2012-2015 cho dự án cầu Cửa Đại là 1.000 tỷ đồng. Điểm nghẽn đầu tiên (vốn trung ương) được khơi thông.
Theo ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Quản lý Khu KTM Chu Lai, dự án được chuẩn bị và thực hiện trong điều kiện nguồn vốn hết sức khó khăn. Trong quá trình triển khai, kế hoạch cung ứng vốn chưa lúc nào phù hợp với kế hoạch tiến độ. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ thi công. Đến tháng 4.2012, sau khi được bố trí vốn TPCP thì mới đủ điều kiện đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, lại xuất hiện cái khó mới là 830ha vẫn chưa được giải phóng mặt bằng xong. Đồng thời do tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng nên CIENCO 5 không huy động được nguồn vốn để đầu tư. Số vốn địa phương còn thiếu vẫn loay hoay tìm giải pháp.
Tổng mức đầu tư của dự án Cầu Cửa Đại là 2.480 tỷ đồng, tổng nguồn vốn bố trí cho dự án là 731,816 tỷ đồng (kể cả 250 tỷ đồng vốn TPCP ứng trước kế hoạch năm 2013), trong đó ngân sách tỉnh là 141,816 tỷ đồng; vốn Trung ương 590 tỷ đồng. Đến nay công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn Hội An thực hiện được 90% đối với phạm vi đất liền và 100% phạm vi mặt nước trên sông Thu Bồn; huyện Duy Xuyên thực hiện được 50% diện tích; huyện Thăng Bình thực hiện được 30%.
Để đảm bảo nguồn vốn đầu tư, có cơ sở đàm phán, ký hợp đồng và triển khai thi công các gói thầu theo đúng kế hoạch, đảm bảo công trình cầu hoàn thành, đưa vào sử dụng đồng bộ trước năm 2015 theo nghị quyết của Tỉnh ủy, bài toán về vốn vẫn còn nhiều phép tính phức tạp. Theo ông Đỗ Xuân Diện – Phó Trưởng ban Quản lý khu KTM Chu Lai, cần tiếp tục bố trí ngân sách tỉnh 450 tỷ đồng tương ứng với số vốn trung ương đã bố trí, đảm bảo cơ cấu 50% vốn ngân sách tỉnh theo quyết định phê duyệt dự án. Trường hợp không bố trí được nguồn vốn để mở các gói thầu còn lại, tỉnh phải sớm làm việc với lãnh đạo TP.Hội An để thống nhất cho phép khai thác 109ha đất dọc hai bên đường dẫn cầu Cửa Đại nhằm đầu tư công trình. Tại buổi kiểm tra tiến độ thi công các công trình trọng điểm mới đây (ngày 5.1), Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đã thống nhất về chủ trương với các phương án tìm vốn này. Điểm nghẽn thứ hai (vốn địa phương) có cơ hội được mở nút.
Tuy những điểm nghẽn trong bài toán vốn cho cầu Cửa Đại ban đầu đã tìm được cách giải nhưng trước dự báo năm 2013 còn nhiều khó khăn, để thông nhịp cầu nối hai bờ vui sẽ còn những gập ghềnh. Hy vọng rằng, cũng như dòng sông, dù gặp bao chướng ngại vật rồi cũng tìm ra biển, dòng vốn cho cầu Cửa Đại sẽ chảy về để nối kết con đường của ước mơ khát vọng…
Nguồn: Báo Quảng Nam