Một trong những hạn chế lớn nhất của Quảng Ninh mà các nhà đầu tư e ngại khi đặt ý định đầu tư vào địa bàn đó là hệ thống hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, nhất là giao thông kết nối vùng. Chính vì vậy trong thời gian vừa qua tỉnh Quảng Ninh rất nỗ lực tìm kiếm nguồn lực đầu tư cho các dự án giao thông động lực trên địa bàn, nhất là các công trình giao thông kết nối vùng.
Dù rằng tất cả những công trình giao thông kết nối vùng đều nằm trong danh mục công trình sẽ được ngân sách Nhà nước đầu tư, nhưng nhìn nhận rõ trong bối cảnh đầu tư từ ngân sách ngày càng hạn hẹp, nếu trông đợi nguồn kinh phí bố trí hàng năm có lẽ sẽ phải mất rất nhiều năm nữa Quảng Ninh mới có thể có được những công trình giao thông kết nối vùng hoàn thiện. Muốn tạo được sự đột phá, không còn cách nào khác là phải tự thân vận động, huy động kêu gọi các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư vào lĩnh vực này. Với Quảng Ninh, các công trình giao thông động lực, kết nối vùng đang được tập trung kêu gọi đầu tư, đó là: Đường nối TP Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nâng cấp mở rộng QL18A đoạn Uông Bí - Hạ Long, nâng cấp cải tạo QL18C đoạn Tiên Yên - Hoành Mô; đầu tư xây dựng tuyến đường ô tô cao tốc Hạ Long - Móng Cái…
Đồng chí Nguyễn Minh Bạch, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh cho biết: Tỉnh đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng những công trình xúc tiến, kêu gọi, bằng mọi giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng nhưng có những công trình do tính cần thiết, cấp bách cần sớm được đầu tư hoàn thiện phục vụ ngay cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tỉnh chủ động ứng vốn để làm trước chứ không trông đợi ngân sách Trung ương bố trí hàng năm. Điển hình như dự án nâng cấp, cải tạo QL18C đoạn Tiên Yên - Hoành Mô, đây là tuyến giao thông huyết mạch, có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá tại khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu). Tuy nhiên tuyến đường này đã bị hỏng hóc, xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc vận chuyển hàng hoá lên cửa khẩu. Theo quy định, việc đầu tư nâng cấp, cải tạo tuyến đường này sẽ do ngân sách Trung ương bố trí, nhưng nếu cứ trông đợi trong bối cảnh mà cả nước đều khó khăn, nơi nào cũng cần thiết được đầu tư thì chưa biết đến khi nào tuyến đường này mới được bố trí vốn để cải tạo. Chính vì vậy năm 2010 tỉnh Quảng Ninh đã quyết định ứng trước vốn từ ngân sách tỉnh để triển khai thi công. Với luỹ kế vốn cấp đến nay là 415,2 tỷ đồng, trong đó tỉnh Quảng Ninh ứng trước 375 tỷ đồng; vốn xây dựng cơ bản trung ương cấp 40,2 tỷ đồng. Riêng năm 2013 dù bối cảnh ngân sách tỉnh cũng rất khó khăn nhưng tỉnh vẫn quyết định dành 50 tỷ đồng tiếp tục ứng vốn cho dự án thi công. Đến nay các gói thầu thi công đường (từ gói thầu XL01 đến XL05) đã thi công xong phần nền, móng cấp phối đá dăm và hệ thống thoát nước, thảm bê tông nhựa hạt thô được 38,87/41,27km, bê tông nhựa hạt mịn được 10/41,27km; các gói thầu xây dựng phần cầu trên tuyến gồm cầu Vân Mây II và cầu Pắc Hoóc đã thảm xong bê tông nhựa mặt cầu và thi công xong lan can cầu, đang hoàn thiện tứ nón mố cầu; cầu Mạt Trạt đã cơ bản hoàn thiện bản mặt cầu, đang thi công lan can và hoàn thiện tứ nón mố M4, cầu Bắc Lịch đã thi công xong trụ, đang triển khai thi công mố M1.
Cũng do sự xuống cấp và mật độ phương tiện lưu thông trên tuyến QL18A đoạn Uông Bí - Hạ Long quá lớn nên năm 2012, tỉnh cũng quyết định ứng vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tuyến đường này với số vốn đã ứng đến thời điểm này trên 950 tỷ đồng. Sau hơn 7 tháng thi công đến nay các nhà thầu đã đào đắp được khoảng 100.000m3 đất đá. Theo tiến độ cam kết giữa chủ đầu tư với tỉnh dự án sẽ kết thúc vào cuối năm 2013, khi đó Quảng Ninh sẽ có tuyến quốc lộ đạt tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng, 4 làn xe, nền rộng 20,5m.
Quảng Ninh được xác định là địa bàn kinh tế động lực của phía Bắc nhưng lâu nay các tuyến giao thông huyết mạch nối Quảng Ninh với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc lại chưa được quan tâm đầu tư xứng tầm. Để nối Quảng Ninh với các trung tâm kinh tế lớn của khu vực là Hải Phòng, Hà Nội, rút ngắn thời gian di chuyển từ các trung tâm lớn này đến Quảng Ninh của các nhà đầu tư, các phương tiện vận chuyển hàng hoá, tỉnh đã xây dựng các chương trình lớn kêu gọi, xúc tiến đầu tư đối với các dự án giao thông kết nối vùng trọng điểm.
Cụ thể, để nối với tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh đã kêu gọi được nhà đầu tư tuyến đường nối TP Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với các hình thức đầu tư BT, BOT và chia làm 2 dự án thành phần. Đó là, dự án đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng được thực hiện đầu tư theo hình thức BT theo phương án tỉnh quyết định sử dụng quỹ đất địa phương để đấu giá tạo vốn thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT. Dự án có tổng chiều dài 19,8km chiều rộng nền đường 33m, tổng mức đầu tư dự kiến trên 5.824 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Xây dựng How Yu Việt Nam đang là nhà đầu tư nghiên cứu và đề xuất được thực hiện dự án. Dự án thứ 2 là cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến được đầu tư theo hình thức BOT. Đến nay nhà đầu tư Tập đoàn SE (Nhật Bản) đã hoàn thiện phương án tài chính sơ bộ của dự án và được UBND tỉnh cơ bản thống nhất.
Ngoài dự án giao thông liên vùng quan trọng này, hiện nay tỉnh cũng đang xúc tiến hoàn thiện hồ sơ, thương thảo phương thức đầu tư với nhà đầu tư là Công ty Phát triển công cộng Ý - Thái để đầu tư xây dựng tuyến đường ô tô cao tốc Hạ Long - Móng Cái theo hình thức BT hoặc BOT.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Minh Bạch, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thì việc linh hoạt tìm các hình thức đầu tư các tuyến đường giao thông liên vùng bằng các hình thức đầu tư BT hay BOT không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh mà còn thúc đẩy tiến trình CNH-HĐH đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế và khu vực, trong đó tỉnh Quảng Ninh được đặt ở vị trí quan trọng trong thực hiện “hai hành lang một vành đai kinh tế”, thực hiện chiến lược biển Việt Nam, và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng kinh tế duyên hải Bắc Bộ.
Nguồn: Báo Quảng Ninh