Trên cơ sở phát động phong trào thi đua đã tạo thêm động lực thực hiện Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và trồng cây xanh năm 2013 cho các địa phương trên địa bàn huyện Châu Thành A, Hậu Giang để sớm hoàn thành kế hoạch.
Bên con lộ nông thôn bề mặt rộng 3,5m chạy qua trước nhà vừa được xây dựng hoàn thiện xong mặt cứng bằng bê tông, anh Nguyễn Thái Nguyên, ở ấp Trường Phước B, xã Trường Long Tây cho biết, mấy ngày nay, gia đình anh tranh thủ lấy đất của xáng cạp vừa đổ lên để đắp ta-luy hai bên đường trước mùa mưa đến. Tiếp theo là trồng hoa kiểng chống xói mòn đất. Tất cả chi phí thuê xáng cạp, ngày công lao động đều do người dân địa phương đóng góp.
Riêng gia đình anh Nguyên bỏ ra số tiền khoảng 450.000 đồng trả tiền xáng cạp đắp ta-luy đoạn đường dài 17m trước nhà. Chưa kể là đất đai, hoa màu, vật kiến trúc mà gia đình anh hiến trước đó. Bởi theo anh Nguyên, đây là việc làm cần thiết vì muốn công trình sử dụng lâu dài thì cần phải đắp lề đường cho chắc chắn. “Con đường rộng lớn, thông thoáng thế này mà không đắp ta-luy giữ lề thì qua mùa mưa coi như sạt lở hết” - anh Nguyên khẳng định.
Chiến dịch năm nay, xã Trường Long Tây được huyện ưu tiên đầu tư kinh phí trên chục tỉ đồng để đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn. Trong đó, xây dựng mới 2 tuyến đường cặp tuyến kênh 4.000 đi qua ấp Trường Phước và Trường Phước B mặt rộng 3,5m, cùng với 8 cống hở, 2 cống tròn nhằm đảm bảo khép kín, tưới tiêu cho người dân. Bên cạnh đó, xã còn tích cực vận động người dân mua 500 cây sao về trồng và trực tiếp chăm sóc trên các tuyến đường, có chiều dài 3km.
Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long Tây Võ Thanh Hùng cho rằng, điểm mới trong chiến dịch năm nay là công trình giao thông được xây dựng đều đảm bảo cao trình, kết cấu theo tiêu chuẩn của ngành giao thông vận tải. Đặc biệt là sau khi các tuyến đường được xây dựng xong mặt cứng, chính quyền địa phương tiếp tục vận động người dân đắp ta-luy, trồng hoa kiểng tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp. Còn các công trình thủy lợi cũng đảm bảo tiêu chí khép kín của xã nông thôn mới đề ra.
Theo Ban chỉ huy chiến dịch huyện, trong điều kiện nguồn kinh phí đầu tư hạn chế nên hầu hết khối lượng xây dựng đường, cống bọng đều tập trung cho 2 xã điểm nông thôn mới của tỉnh, cũng như của huyện gồm xã Nhơn Nghĩa A và Trường Long Tây, cùng các công trình bức xúc cho các địa phương khác trên địa bàn. Do đó, giải pháp xã hội hóa trên cơ sở khơi dậy sức dân cùng tham gia xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi và trồng cây xanh luôn được các địa phương linh hoạt vận dụng vào quá trình thực hiện chiến dịch.
Chính nhờ giải pháp tận dụng sức dân đã tạo ra khí thế thực hiện sôi nổi ở các địa phương, nhất là tạo nên nhiều mô hình mới, góp phần thành công chung của chiến dịch. Nổi bật là mô hình “Xây dựng đường giao thông xe ô tô về tới nhà thông tin ấp nông thôn” và mô hình giao thông “6 không, 4 đạt” tại ấp Láng Hầm, thị trấn Rạch Gòi, hay các mô hình xây dựng giao thông nông thôn có bề mặt rộng 3,5m kết hợp với việc trồng cây xanh, kinh phí hoàn toàn do người dân đóng góp ở một số địa phương như xã Tân Hòa, thị trấn Cái Tắc… Ông Phan Thanh Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gòi cho hay, bằng nguồn vốn xã hội hóa, thị trấn Rạch Gòi đã triển khai xây dựng thành công 2 tuyến đường giao thông nông thôn có bề mặt rộng 3,5m, đạt tiêu chí nông thôn mới tại ấp Láng Hầm. Điều đáng nói là 100% vốn đầu tư xây dựng đều do nhân dân trong và ngoài địa bàn đóng góp. Thay vì thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” mà nhiều địa phương đã từng vận dụng trong thời gian qua, đây còn là kết quả thực hiện mô hình sáng kiến mới, mang lại hiệu quả cao trong Chiến dịch giao thông - thủy lợi và trồng cây xanh năm 2013 của thị trấn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A Hồ Hoàng Ưng, kiêm Trưởng Ban chỉ huy Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và trồng cây xanh năm 2013 cho rằng, kết quả thi đua chỉ được công nhận khi các công trình được đầu tư xây dựng hoàn thiện trên cơ sở 100% kinh phí thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa. Cho nên từng xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều tranh thủ nguồn vốn vận động từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp, mà đáng kể là nhân dân sở tại để thực hiện. Qua đó đã tạo khí thế triển khai xây dựng các công trình theo chỉ tiêu đăng ký ngay từ những ngày đầu thực hiện chiến dịch.
Nguồn: Báo Hậu Giang