Mặc dù là tỉnh miền núi điều kiện kinh tế chưa phát triển nhưng quán triệt và vận dụng các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương nên trong những năm qua, mạng lưới giao thông nông thôn Yên Bái được phát triển mạnh mẽ.
Từ tập trung nguồn lực đầu tư phát triển GTNT mà trung bình mỗi năm Yên Bái có hàng trăm km đường GTNT miền núi được nâng cấp cải tạo mặt và được mở mới.
Năm 2012, từ nguồn vốn kích cầu đã có trên 100 km được kiên cố hóa, trên 300 km đường dân sinh đến các thôn, bản được mở mới.
Đến nay, Yên Bái đã có mạng lưới đường GTNT với tổng chiều dài gần 6.000 km. Trong đó: Đường huyện có 80 tuyến với 826,4 km, đường xã 2.575,5 km, đường thôn, bản trên 2.292,4 km.
Do đi trước một bước mà Yên Bái đã tạo sự gắn kết, liên hoàn giữa mạng lưới giao thông quốc gia với đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường thôn, bản, giữa các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá lớn, vùng nguyên liệu với các khu công nghiệp chế biến, giữa sản xuất chế biến và tiêu thụ, tạo tiền đề, động lực cho mỗi địa phương phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Đường giao thông đã phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn miền núi, góp phần xoá đói giảm nghèo các xã vùng sâu, vùng xa và tăng cường an ninh, quốc phòng của địa phương và khu vực.
Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác phát huy hiệu quả cũng như tránh lãng phí đối với các công trình giao thông là vấn đề đang đặt ra với các địa phương.
Trên thực tế, tại nhiều nơi dù có mức đầu tư không nhỏ nhưng khi công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng, do không được duy tu, bảo dưỡng, không có hệ thống thoát nước dẫn tới nhiều tuyến đường thường xuyên bị bão lũ tấn công gây hư hỏng.
Bên cạnh đó, cùng với bị lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích, do các tuyến đường giao thông có thiết kế tải trọng thấp, đường lại không có hệ thống biển báo qui định về tải trọng nên nhiều phương tiện có tải trọng lớn chở hàng hóa qua lại làm đường nhanh chóng xuống cấp.
Giao thông được xem như mạch máu của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt GTNT miền núi có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh phát triển cần tăng cường quản lý, bảo vệ, khai thác có hiệu quả hệ thống đường GTNT.
Để quản lý tốt đường giao thông, đối với các tuyến đường huyện, các phòng công thương, phòng quản lý đô thị cần tham mưu cho ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thực hiện quản lý, bảo trì các tuyến đường được phân cấp quản lý.
Đối với đường giao thông xã, liên xã, ủy ban nhân dân các xã phải có kế hoạch tổ chức triển khai công tác sửa chữa thường xuyên, bằng các nguồn lực của xã và huy động nhân dân tham gia đóng góp bằng ngày công lao động, vật liệu, huy động các tổ chức đoàn thể và các doanh nghiệp sử dụng các tuyến đường tham gia duy tu, bảo dưỡng đường.
Đối với các đường thôn, bản, các thôn, bản phải thường xuyên huy động nhân dân sửa chữa đường, nhất là trong mùa bão lũ. Bên cạnh đó, căn cứ vào chất lượng khai thác của từng tuyến đường, ủy ban nhân dân xã, thị trấn cần tổ chức cắm biển hạn chế tải trọng, đồng thời phải tổ chức cắm hệ thống mốc lộ giới hành lang bảo vệ công trình giao thông đối với tất cả các tuyến đường huyện, đường xã, liên xã.
Việc cắm mốc chỉ giới hành lang an toàn giao thông phải đúng theo quy định tại Quyết định số 917/2007/QĐ-UBND ngày 2/7/2007 của UBND tỉnh về việc Ban hành Quy định về công tác quản lý, bảo trì mạng lưới đường đô thị và GTNT trên địa bàn tỉnh Yên Bái và phù hợp với quy hoạch phát triển GTNT trong tương lai, để hạn chế việc nhân dân xây dựng các công trình trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ…/.
Nguồn: Báo Yên Bái