Từ ngày 15 đến 17/2 (tức từ mùng 6 đến 8 Tết), tàu, xe xuất phát tại TP. Nha Trang đi các tỉnh phía Nam, đặc biệt là tuyến Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng “sốt”, không đủ vé bán cho hành khách. Một số đơn vị vận tải hành khách đóng chân trên địa bàn tỉnh đã nâng giá vé lên cao.
Ngay sau những ngày nghỉ Tết, nhiều người dân và du khách đã phải đối mặt với tình cảnh không mua được vé tàu, xe. Có mặt tại phòng bán vé tàu ở Ga Nha Trang vào các ngày 16, 17/2 (tức mùng 7, 8 Tết), chúng tôi ngạc nhiên khi thấy không khí nhà ga khá vắng vẻ, chỉ có một vài hành khách đến mua vé đi các tỉnh phía Bắc, còn tuyến Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh các ngày từ 15 đến 18/2 đã được nhà ga thông báo hết chỗ. Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Ninh - Giám sát Tài vụ Ga Nha Trang cho biết: “Hiện nay, vé tàu các tuyến từ Nha Trang đi TP. Hồ Chí Minh đã hết. Nhà ga đã công khai thời gian phục vụ vé tàu đi các tuyến để hành khách đến ga mua vé cũng như chủ động trong việc tìm các phương tiện đi lại khác”. Được biết, để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, Ga Nha Trang đã chủ động tăng cường thêm giờ chạy tàu cho đoàn tàu SNT (tuyến Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh) từ 1 lên 2 chuyến/ngày, thế nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của hành khách.
Vé tàu hết, nhiều người chủ động tìm xe khách. Thế nhưng tình trạng “sốt”, khan hiếm vé xe khách tại Bến xe phía Nam và các doanh nghiệp vận tải tư nhân đóng trên địa bàn tỉnh cũng đang khiến nhiều người đau đầu. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Phó Bến xe phía Nam, mỗi ngày có khoảng hơn 20 chuyến xe chở hành khách xuất bến (trung bình 15 - 30 phút/chuyến) với lượng khách đi xe từ 2.500 đến 3.000 lượt. Do lượng khách đi vào các tỉnh phía Nam tăng đột biến so với mọi năm nên tuy các doanh nghiệp tại bến đã chủ động tăng tuyến, tăng đầu xe nhưng cũng chỉ đáp ứng được phần nào, số còn lại phải tìm các hãng xe bên ngoài.
Sốt vé, thiếu phương tiện đi lại trong dịp Tết nên một số doanh nghiệp vận tải đã tự động nâng giá vé. Theo quy định, trong các dịp lễ, Tết, để bù lỗ cho các tuyến xe tăng cường theo chiều ngược (tức chiều rỗng, vắng khách) các doanh nghiệp vận tải xe khách được phép tăng giá cước các chuyến xe từ 40 đến 60% sau khi đã kê khai với các cơ quan có thẩm quyền. Tại Bến xe phía Nam, để giải quyết bài toán “cháy” vé xe đầu vào sau dịp Tết, đơn vị chủ quản đã cho phép các hãng xe tăng tuyến, tăng đầu xe, tăng giá cước nhưng không quá 60% so với mức giá ngày thường. Cụ thể, mức giá tăng của các loại xe ghế ngồi máy lạnh của Công ty Cổ phần Xe khách Khánh Hòa ngày thường có giá từ 190.000 đến 210.000 đồng/người/lượt thì nay tăng lên 304.000 - 336.000 đồng/người/lượt; xe giường nằm của nhà xe Quang Hạnh ngày thường có giá từ 210.000 đến 260.000 đồng/người/lượt thì nay tăng lên 295.000 - 330.000 đồng/người/lượt... Đây được coi là mức tăng vừa phải mà hành khách có thể chấp nhận được trong thời điểm khan hiếm phương tiện đi lại.
Trong khi đó, cũng là xe khách giường nằm chất lượng cao, nhưng một số doanh nghiệp tư nhân kinh doanh dịch vụ vận tải dưới hình thức open tour đã tự ý nâng mức giá cước vận chuyển hành khách lên khá cao.
Nguồn: Báo Khánh Hòa