Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Điên Biên Đông, Điện Biên luôn quan tâm phát triển giao thông nông thôn. Bên cạnh các nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước, như: sự nghiệp giao thông, trái phiếu Chính phủ, Nghị quyết 30a… Huyện đã vận động, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ từ phía nhân dân trong mở mới, duy tu bảo dưỡng mạng lưới giao thông nông thôn…
Trước khi huyện Điện Biên Đông được thành lập, hệ thống giao thông trên địa bàn chưa phát triển, toàn huyện chỉ có duy nhất tuyến tỉnh lộ nối từ Pom Lót (huyện Điện Biên) với Na Son (thị trấn huyện) dài 43,7km, ô tô có thể đi lại 2 mùa (mùa mưa, mùa khô). Các tuyến đường nối từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã chủ yếu là đường dân sinh, chỉ có thể đi được xe máy vào mùa khô. Phần lớn đường giao thông liên thôn, bản là đường mòn phục vụ người đi bộ và ngựa thồ. Hệ thống đường giao thông kém phát triển là một trong những yếu tố kìm hãm sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn. Trước thực trạng đó, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu xây dựng kế hoạch tổng thể, chi tiết phát triển hệ thống đường giao thông. Đặc biệt là ưu tiên phát triển giao thông nông thôn, xây dựng những tuyến đường huyết mạch.
Những năm qua, bình quân hàng năm, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình 135/CP giai đoạn 1, 2, 3; Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng cao (kết thúc năm 2010); vốn trái phiếu Chính phủ… huyện Điện Biên Đông được đầu tư hàng chục tỷ đồng phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn. Sau 10 năm thành lập huyện (2006), mạng lưới giao thông trên địa bàn tương đối hoàn thiện: 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã. Trong đó, trên 70% xã có đường ô tô đi lại thuận tiện trong cả mùa khô và mùa mưa.
Từ năm 2011 đến nay, thực hiện Nghị quyết 11/CP của Chính phủ: thắt chặt chi tiêu, cắt giảm đầu tư công… bình quân, mỗi năm huyện Điện Biên Đông được đầu tư từ 1,2 - 1,3 tỷ đồng cho phát triển giao thông nông thôn. Ông Vàng A Cử, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong bối cảnh nhu cầu phát triển giao thông lớn nhưng nguồn vốn hạn hẹp, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Hiện nay, huyện đang áp dụng mức hỗ trợ mở mới đường liên thôn, bản là 20 triệu đồng/km. Đây là mức quá thấp so với chi phí thực tế. Bởi nhu cầu kinh phí thực tế mở 1km đường liên thôn bản hiện nay cần từ 40 - 45 triệu đồng. Đặc biệt, có những tuyến mở mới cần mức chi phí từ 60 - 80 triệu đồng. Khắc phục những bất cập trên, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng ưu tiên, lựa chọn nhà thầu xây dựng là những doanh nghiệp địa phương có khả năng ứng vốn trước. Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở huy động nhân dân đóng góp ngày công cùng doanh nghiệp phát tuyến, đào rãnh thoát nước, làm cống tạm. Bình quân mỗi năm, nhân dân trong huyện đóng góp trên 5.000 ngày công mở mới, tu sửa đường giao thông.
Theo báo cáo từ Phòng Công Thương huyện Điện Biên Đông, từ đầu năm đến nay, nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã đóng góp gần 3.000 ngày công, hót trên 1.000m3 đất đá sạt lở; vá, lấp ổ gà; tu sửa, khơi thông trên 100km rãnh thoát nước; phát quang gần 2.000m2 cây cỏ bên lề đường; tu sửa, làm mới 12 cầu, cống tạm… Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã vận động được phần lớn nhân dân hưởng ứng phong trào hiến đất mở đường. Từ năm 2010 đến nay, nhân dân bản Nậm Ngám, Háng Trợ A, B; Huổi Tao A, B (xã Pú Nhi); nhân dân bản Na Son (xã Na Son)… đã hiến trên 7ha đất nương, vườn xây dựng đường giao thông về bản.
Thực hiện nhiều biện pháp phát triển giao thông, hiện nay, huyện Điện Biên Đông có 350km đường giao thông nông thôn. Trong đó, 55km đường giao thông nông thôn loại A và 295km đường giao thông nông thôn loại B. Toàn huyện có 650km đường giao thông liên thôn, bản (trong đó, 60% ô tô đi lại được trong mùa khô).
Nguồn: Báo Điện Biên phủ