Là tỉnh cửa ngõ của sông Cửu Long đổ vào Việt Nam cùng với các tuyến sông rạch, kênh mương nội đồng liên vùng Tứ giác Long Xuyên và nhiều tuyến kênh thoát lũ ra biển Tây đã khẳng định vị thế quan trọng về giao thông thủy nội địa của An Giang trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.
Tuy nhiên, giữa lợi thế và việc phát huy lợi thế ấy vẫn còn có mức chênh khá lớn. Điều đó đặt ra vấn đề cần tái cấu trúc lại hạ tầng đường thủy nội địa nhằm đưa lợi thế về giao thông thủy nội địa An Giang trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
Phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải quốc gia và của các địa phương có liên quan, trong đó An Giang là một trong 4 tỉnh được chọn làm trọng điểm vùng. Đó là một trong những quan điểm phát triển theo Quyết định số 11/2012/QĐ-TTg, ngày 10-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Về quy hoạch phát triển vận tải trong 5 hành lang vận tải chủ yếu, tỉnh An Giang có đến 2 hành lang là: Hành lang TP. Hồ Chí Minh - Long Xuyên (An Giang) - Rạch Giá (Kiên Giang). Đây là các hành lang vùng, quốc gia, vận tải hàng hóa do đường thủy đảm nhận là chủ yếu, sau đó đến đường bộ. Bên cạnh đó, còn vận chuyển hành khách do đường bộ đảm nhận là chủ yếu, sau đó đến đường thủy nội địa. Hành lang Cần Thơ - Long Xuyên - Châu Đốc (An Giang) là hành lang vùng, nằm trên địa bàn TP. Cần Thơ và tỉnh An Giang, vận chuyển hàng hóa và hành khách do đường bộ đảm nhận là chủ yếu, sau đó đến đường thủy nội địa.
Do vậy, để việc phát triển quy hoạch vận tải đúng theo mục tiêu mà Chính phủ đề ra, điều đầu tiên có thể nhận thấy là An Giang cần xác định rõ những công trình nào là mục tiêu trước mắt, đâu là trọng điểm phải đầu tư ngay và đâu là những lợi thế cạnh tranh tập trung mũi nhọn phát triển. Xem xét lại toàn cục hệ thống giao thông thủy nội địa của An Giang hiện nay, nổi bật lên ba nhóm vấn đề cần tập trung tháo gỡ, tái cơ cấu và phát triển.
Vấn đề thứ nhất là cơ cấu lại hệ thống giao thông thủy trên hai tuyến sông Tiền, sông Hậu. Đây là cửa ngõ duy nhất mà An Giang với lợi thế vị trí địa lý được thụ hưởng. Phát triển giao thông thủy tại lưu vực này trước nhất là định hướng lại những cảng sông, cảng biển. Trong đó, cảng Mỹ Thới đã được tách ra cùng các cảng Cao Lãnh, Mỹ Thới, Vĩnh Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1024/2005/QĐ-TTg về nhóm cảng biển số 6 theo đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020. Về cảng thủy nội địa, quy hoạch đề cập việc xây dựng mới và nâng cấp một số cảng sông, gồm các cảng: Tân Châu, Bình Long (An Giang),... Trong đó, cảng Tân Châu cho tàu có trọng tải từ 500 ÷ 2.000 DWT, đồng thời có vai trò là đầu mối cho phương tiện thủy nội địa giao thương với Campuchia. Trong danh mục các công trình ưu tiên đầu tư nhằm giải quyết mục tiêu kết nối đồng bộ mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long và cần đầu tư trong giai đoạn 2011 - 2015 về đường thủy nội địa, An Giang có 2/4 danh mục công trình/dự án là cảng Tân Châu và cảng Bình Long.
Thứ hai, về đường thủy nội địa, đối với luồng tuyến tàu sông, theo quy hoạch có tuyến Cửa Tiểu - biên giới Campuchia: Đoạn qua vùng 73 km; duy trì tuyến đạt cấp I kỹ thuật đường thủy nội địa. Tuyến sông Hậu qua cửa Định An - Tân Châu (An Giang): Đoạn qua vùng dài 107,5 km; duy trì tuyến đạt cấp I kỹ thuật đường thủy nội địa.
Thứ ba, An Giang cũng cần phân cấp quản lý, đầu tư theo đúng quy định pháp luật và của Chính phủ trong việc bố trí vốn, nạo vét, khơi thông, nâng độ thông thuyền tĩnh các cầu, nâng cao mật độ lưu thông của tàu hàng, sà lan trong việc sử dụng, phát huy lợi hệ thống giao thông liên vùng, nội đồng, nhất là hệ thống kênh rạch vùng Tứ giác Long Xuyên, các tuyến giao thông thủy truyền thống, như: Kênh Vĩnh Tế, kênh Tám Ngàn và mới đây nhất là kênh Võ Văn Kiệt nhằm tạo thế liên thông bằng đường thủy giữa An Giang với các tỉnh trong khu vực và ra biển Tây.
Để phát triển hệ thống giao thông thủy nội địa tương xứng tiềm năng và nhất là đảm bảo việc thực hiện thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tỉnh An Giang cần nhanh chóng tập trung nguồn lực về tài chính, nhân lực về chất xám và thể hiện tinh thần quyết tâm cao nhất trong việc triển khai quy hoạch hệ thống giao thông thủy nội địa và xem quy hoạch trên là chìa khóa để mở ra cánh cửa phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần nghị quyết đã đề ra.
Nguồn: Báo An Giang