Hậu Giang: Vĩnh Trung phát triển hạ tầng giao thông nông thôn

Thứ hai, 17/06/2013 09:17
Gần đây, nhiều tuyến đường ở xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, Hậu Giang dần được bê tông hóa, giúp bà con đi lại thuận tiện, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.

Gần đây, nhiều tuyến đường ở xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, Hậu Giang dần được bê tông hóa, giúp bà con đi lại thuận tiện, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.

Cách đây vài năm, ở xã Vĩnh Trung đường liên xã, liên ấp chủ yếu là đường đất nên điều kiện đi lại rất khó khăn, cản trở việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân. Với mục tiêu cứng hóa đường giao thông nông thôn, đến nay các đường chính đã cơ bản bê tông hoàn toàn, đảm bảo cho người dân đi lại hai mùa mưa nắng. Trong Chiến dịch giao thông - thủy lợi mùa khô năm 2013, toàn xã đã được huyện đầu tư, nâng cấp 4 công trình lộ giao thông nông thôn với tổng chiều dài 6km và sửa chữa được 2 cây cầu xuống cấp. Ngoài ra, còn tổ chức trồng được 350 cây xanh các loại ngay dịp lễ phát động và ra quân trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác” với chiều dài 4km ở tuyến đường 13.000 và Lầu Tây. Ông Trương Quốc Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung, cho biết: Quá trình triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn tại địa bàn đã được người dân hưởng ứng nhiệt tình bằng việc tham gia hiến đất, hoa màu và ngày công lao động. Sau một thời gian triển khai, đến nay các tuyến đường giao thông đã và đang phát huy hiệu quả trong việc xây dựng nông thôn mới, sản xuất, tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Tuyến đường ở kênh Nàng Bèn mặc dù được thực hiện theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhưng do xây dựng nhiều năm nên đã bị xuống cấp trầm trọng. Tuyến đường lại hẹp gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Ông Nguyễn Văn Hai, ở ấp 5, thông tin: “Từ khi có chủ trương làm đường giao thông, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng bằng việc hiến đất, ngày công lao động. Cái lợi ở tuyến đường là tận dụng nền hạ cũ để xây dựng nên khi triển khai ai cũng vui mừng. Sau khi con đường được hoàn thành đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ hơn. Đặc biệt, có đường giao thông, người dân chúng tôi có nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dễ dàng, đời sống nhân dân đã thay đổi đáng kể”.

Cùng với xây dựng giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi cũng ngày càng được hoàn thiện đảm bảo nhu cầu tưới tiêu và sản xuất của người dân trong khu vực. Trong năm, xã đã nạo vét được 5.400m3 đất tạo điều kiện cho người dân tiêu, thoát nước dễ dàng. Ông Ngô Văn Xưa, ở ấp 10, xã Vĩnh Trung, cho hay: “Việc thường xuyên nạo vét thủy lợi nội đồng là điều hết sức cần thiết. Vì thế, ngay khi được vận động, bà con đều nhiệt tình tham gia. Từ khi tuyến kênh được nạo vét, người dân đã được hưởng lợi rất nhiều”. Như gia đình ông Xưa trước đây trồng lúa do tuyến kênh cạn, mỗi khi thu hoạch đều bị thương lái ép giá nên lợi nhuận thu về chẳng được bao nhiêu. Nhưng khi tuyến kênh được nạo vét đã tạo điều kiện cho việc tiêu thụ nông sản dễ dàng hơn. Không những thế, do chủ động được nước, vừa giảm chi phí sản xuất, chi phí bơm tát mà năng suất lúa cũng tăng lên nên lợi nhuận cũng tăng theo.

Tuy nhiên, việc xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn hiện nay vẫn còn gặp khó khăn do Vĩnh Trung vẫn còn là xã nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 24%, dân cư sống phân tán, không tập trung, thu nhập của bà con còn thấp, chủ yếu từ nông nghiệp, nguồn ngân sách địa phương hạn chế nên gây khó khăn cho công tác bảo đảm, duy tu, sửa chữa cũng như hỗ trợ làm đường mới khó đáp ứng được yêu cầu. Đến nay, dù các tuyến đường đã cơ bản bê tông hóa nhưng tỷ lệ đường đạt chuẩn nông thôn mới rất thấp. Ông Trương Quốc Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung, cho biết thêm: Do không nằm vào những xã điểm xây dựng nông thôn mới nên nguồn vốn phân bổ còn rất hạn chế. Vì thế, để khắc phục tình trạng này, thời gian tới xã sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến dịch giao thông - thủy lợi mùa khô hàng năm, quy hoạch chung giao thông nông thôn trên địa bàn. Đồng thời, tận dụng tốt tất cả các nguồn vốn cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng, nhà tài trợ và đóng góp của nhân dân để tập trung xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn, nhất là những nơi thật sự bức xúc…

Nguồn: Báo Hậu Giang

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:69210
Lượt truy cập: 176.605.416