Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của BCH Trung ương Đảng về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn" và Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW; tích cực thực hiện phong trào "Cả nước chung sức xây dựng NTM" Sở GTVT Nam Định đã chủ động, tham gia tích cực phong trào phát triển giao thông nông thôn (GTNT).
Sở GTVT Nam Định chủ trương phát triển GTNT bền vững gắn với mạng lưới giao thông quốc gia, bảo đảm giao thông thông suốt tới các xã, cơ bản có đường ô tô đến thôn; từng bước nâng cao chất lượng đường nông thôn, xây dựng quy chế, chính sách đảm bảo duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển GTNT; tập trung cao nguồn lực của tỉnh đầu tư, hỗ trợ cho chương trình xây dựng NTM, trong đó có GTNT. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định, Sở GTVT đã chủ trì và phối hợp với Sở NN và PTNT tổ chức rà soát, cập nhật thường xuyên tình hình phát triển GTNT của tỉnh. Qua đó nắm bắt, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đề ra giải pháp huy động các nguồn lực xây dựng GTNT theo đặc thù từng địa phương. Đồng thời hướng dẫn các huyện, thành phố về tiêu chuẩn, cấp kỹ thuật của đường GTNT theo Bộ Tiêu chí quốc gia về NTM và các quy định tiêu chuẩn của ngành.
Các huyện, thành phố, các xã, thị trấn đều xác định rõ mục tiêu, lộ trình, phương thức phù hợp với đặc điểm địa phương; tích cực tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhất là phong trào xây dựng GTNT. Theo đó, hầu hết các xã đã xác định DĐĐT là khâu đột phá trong xây dựng NTM, xây dựng GTNT.
Đến nay, toàn tỉnh Nam Định có 194/199 xã (97,5%) đã tập trung DĐĐT và đã triển khai sâu rộng phong trào “hiến đất, đóng góp kinh phí làm đường GTNT, giao thông nội đồng” đến thôn, làng, hộ gia đình tại các xã, thị trấn. Nhân dân các địa phương đã đóng góp được 2.361,3ha đất để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và làm đường GTNT. Cùng với đó, tỉnh còn nỗ lực huy động mọi nguồn lực: Nhân dân đóng góp, ngân sách các cấp; tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Châu Á (ADB)... để xây dựng GTNT. Nhờ đó hệ thống GTNT đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, đặc biệt là ở 96 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, tạo tiền đề vững chắc cho việc thực hiện mục tiêu phát triển GTNT đến năm 2015 và những năm tiếp theo.
Từ năm 2009 đến tháng 6/2013, toàn tỉnh Nam Định đã xây dựng mới 528km đường trên 186 tuyến, 254 cầu, 538 cống; cải tạo, nâng cấp 1.781km đường trên 865 tuyến. Giai đoạn 2009-2012, Sở GTVT Nam Định đã hoàn thành chương trình đầu tư xây dựng trên 30 tuyến đường giao thông mới với tổng chiều dài 82km và duy tu, bảo trì 36 tuyến đường của 30 xã, thị trấn từ nguồn vốn tài trợ của WB thuộc Dự án GTNT với tổng giá trị đầu tư 99 tỷ đồng. Hiện nay đang thi công 14 tuyến đường với tổng chiều dài 35km của 14 xã, thị trấn, với giá trị đầu tư 58 tỷ đồng từ nguồn vốn WB3; thi công sửa chữa, hoàn trả 5 tuyến đường bị ảnh hưởng do thi công đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn đi qua địa bàn huyện Ý Yên với tổng giá trị đầu tư 28 tỷ đồng; bảo trì 29 tuyến đường, tổng chiều dài 183km của các huyện từ nguồn vốn WB với tổng giá trị đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Tiêu biểu trong phong trào phát triển GTNT giai đoạn 2008-2013 là các xã: Hải Hà (Hải Hậu), Giao Long (Giao Thuỷ), Hiển Khánh (Vụ Bản). Tại xã Hải Hà, phong trào phát triển GTNT luôn được xã quan tâm, chỉ đạo thực hiện, hằng năm, UBND xã đều tổ chức, phổ biến kịp thời các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác GTVT tới người dân, đồng thời triển khai kế hoạch duy tu, sửa chữa đường giao thông xóm, liên xóm, giao thông nội đồng trên địa bàn. Chỉ đạo các xóm xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp hệ thống đường xóm, liên xóm và giao thông nội đồng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, mạng lưới GTNT ở các xóm được bê tông hoá, mặt đường rộng 1,5-1,8m; dày từ 8-10cm. Đường giao thông nội đồng được bê tông hoá một số tuyến mặt đường rộng 1,2-1,5m, dày 8-10cm.
Tuy nhiên, công tác phát triển GTNT trên địa bàn toàn tỉnh Nam Định vẫn tồn tại một số hạn chế cần tháo gỡ, khắc phục. Tình trạng GTNT, nhất là đường huyện, đường xã xuống cấp nghiêm trọng do đầu tư từ lâu, tải trọng vận tải tăng đột biến trong khi kinh phí cho duy tu, sửa chữa thấp. Chưa có bộ máy chuyên trách quản lý GTNT ở các huyện, xã nên tình trạng buông lỏng quản lý còn phổ biến. Kinh phí huy động để đầu tư cho phát triển GTNT thấp. Tiến độ triển khai các dự án xây dựng GTNT ở một số địa phương còn chậm, chưa liên tục. Với mục tiêu tiếp tục phát triển GTNT phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tạo sự gắn kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, xã; kết hợp giữa kinh tế với an ninh, quốc phòng, Sở GTVT Nam Định đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho công tác đầu tư, xây dựng GTNT. Theo đó, từ nay đến hết năm 2015: tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo đối với đường GTNT của 96 xã, thị trấn xây dựng NTM và các xã còn lại. Từng bước bố trí các nguồn vốn để bảo trì hệ thống đường GTNT. Trong giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh phấn đấu 100% đường huyện, đường xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá; đường huyện tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng, đường xã tối thiểu đạt cấp VI. Hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện, đường xã được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường quy hoạch. Tối thiểu 70% đường thôn, xóm được cứng hoá, đạt loại A trở lên. Tối thiểu 70% các đường trục chính nội đồng được cứng hoá, phương tiện cơ giới đi lại thuận tiện./.
Nguồn: Báo Nam Định