Quảng Ninh: Phát triển giao thông vận tải, mở đường hội nhập kinh tế

Thứ hai, 11/11/2013 08:57
Quảng Ninh là cửa ngõ hội nhập thế giới của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, điểm nút trong Khu vực hợp tác phát triển “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc” và Hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng một số nước Đông Nam Á với Trung Quốc. Tỉnh Quảng Ninh cũng được xác định là vùng động lực, cực tăng trưởng của Vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Bộ. Do vậy giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh có vai trò quan trọng trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, vùng Đồng bằng sông Hồng và khu vực Đông Bắc.

Quảng Ninh là cửa ngõ hội nhập thế giới của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, điểm nút trong Khu vực hợp tác phát triển “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc” và Hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng một số nước Đông Nam Á với Trung Quốc. Tỉnh Quảng Ninh cũng được xác định là vùng động lực, cực tăng trưởng của Vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Bộ. Do vậy giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh có vai trò quan trọng trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, vùng Đồng bằng sông Hồng và khu vực Đông Bắc.

Những năm qua, nhờ sự quan tâm từ Trung ương đến tỉnh, việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông vận tải có những bước phát triển mới. Các tuyến đường, cây cầu, bến cảng, đường tới vùng sâu, vùng xa… liên tục được cải tạo nâng cấp và xây dựng mới trên khắp các địa phương trong tỉnh đã tạo ra những “mạch máu” giao thông quan trọng, góp phần vào sự tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh, đặc biệt trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong điều kiện ngân sách đầu tư cho hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng ngày một khó khăn, nhất là với các công trình giao thông cần một nguồn lực rất lớn thì việc huy động mọi nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách là chủ trương rất đúng đắn và kịp thời. Đặc biệt từ những năm 1990 trở lại đây, một loạt chương trình lớn của ngành Giao thông vận tải được tích cực triển khai như: Nhựa hoá các tuyến đường miền Đông của tỉnh; cầu hoá thay thế các đường tràn trên các tuyến đường; nâng cấp đường nhựa đến trung tâm các xã; đầu tư cải tạo nâng cấp hàng loạt các công trình giao thông như: QL18 lên thành cấp III đồng bằng, QL18C; QL18B (trước đây là Tỉnh lộ 340); cầu Bãi Cháy nối đôi bờ sông Cửa Lục, cảng biển Cái Lân… Chỉ tính nguồn vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông trong khoảng 10 năm gần đây trên 11.000 tỷ đồng. Đồng thời ngành Giao thông vận tải đã tích cực phối hợp với Ban Xây dựng giao thông nông thôn mới và các địa phương trong quản lý, đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Từ năm 2011 đến nay, đã mở mới được 307km, nâng cấp được 470km đường giao thông nông thôn, với tổng kinh phí là 1,032 tỷ đồng. Cùng với nhiều công trình kết cấu hạ tầng, sự phát triển nhanh chóng và đa dạng các dịch vụ vận tải cũng giúp cho việc đi lại của nhân dân ngày càng dễ dàng và thuận tiện hơn. Vận tải hành khách đánh dấu bước đổi mới về chất trong sắp xếp luồng tuyến, các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư đổi mới phương tiện tiện nghi được phát triển mạnh.

Theo đồng chí Vũ Văn Khánh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh thì những thành quả đạt được của ngành thời gian qua là rất quan trọng, nhưng tương lai việc đầu tư cho hạ tầng giao thông để phục vụ cho phát triển KT-XH là một nhu cầu bức thiết. Mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, song tỉnh Quảng Ninh vẫn quyết tâm đầu tư cho hạ tầng giao thông để tạo đà cho phát triển kinh tế trong thời gian tới. Trong điều kiện ngân sách đầu tư cho hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng ngày một khó khăn, nhất là với các công trình giao thông cần một nguồn lực rất lớn thì việc huy động mọi nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách là chủ trương rất đúng đắn và kịp thời.

Hiện Quảng Ninh đã và đang kêu gọi xúc tiến đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BT, BOT, PPP và là tỉnh đi đầu cùng với Bộ Giao thông vận tải triển khai các dự án giao thông bằng các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách hoặc một phần ngân sách. Dự án đầu tiên ngành Giao thông vận tải Quảng Ninh đang tham mưu cho tỉnh là tuyến đường nối TP Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, bao gồm 2 dự án (đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng và cầu Bạch Đằng) theo hình thức BT và BOT. Đồng thời cùng các sở, ngành tham mưu cho tỉnh kêu gọi xúc tiến đầu tư sân bay Vân Đồn; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức BOT. Song song với đó, tiếp tục đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải khởi động trở lại để sớm hoàn thành đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân để đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả của vận tải đường sắt và cảng Cái Lân; mở rộng QL18 đoạn Uông Bí - Phả Lại; cải tạo nâng cấp QL4B đoạn Tiên Yên - Lạng Sơn; kêu gọi đầu tư cảng Mũi Chùa, khu cảng nước sâu Hòn Nét, cảng Hải Hà; lập quy hoạch, dự án để kêu gọi đầu tư cảng khu vực Quảng Yên như: Sông Chanh, Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc, làm khu hậu cần dịch vụ cho Cảng Quốc tế Lạch Huyện, đồng thời phát triển Khu công nghiệp Đầm Nhà Mạc, Tiền Phong…

Trong thời gian tới, một nhiệm vụ quan trọng không kém của ngành Giao thông vận tải đó là phải xây dựng một đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân… giỏi về nghiệp vụ, vững vàng về phẩm chất chính trị. Phát triển nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững và khả năng cạnh tranh thành công của ngành Giao thông vận tải trong quá trình hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:217610
Lượt truy cập: 178.134.451