Ngày 10/12, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tổ chức đón Teu thứ 3 triệu thông qua cảng Tân Cảng - Cát Lái, hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013 trước 20 ngày.
Cùng ngày, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã tổ chức ký hợp đồng liên doanh Hợp phần B, cảng container Quốc tế Hải Phòng.
Đến dự có Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công, đại diện Bộ Quốc phòng, Cục Hàng hải, Bộ Tư lệnh Hải quân, đối tác Molnykit của Nhật Bản.
Theo hợp đồng liên doanh, Dự án cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng là dự án cảng nước sâu trọng điểm phía Bắc được xây dựng trên cơ sở sử dụng vốn ODA của Nhật với tổng quy mô 130,74ha.
Hợp phần A do Cục Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư; hợp phần B khởi nguồn do Vinalines thành lập liên danh với đối tác Molnykit của Nhật Bản theo hình thức đối tác công-tư làm chủ đầu tư.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ 4/1/2013, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã thay thế Vinalines để thành lập liên doanh khai thác hợp phần B với đối tác Molnykit.
Hợp phần B có tổng diện tích 56,99ha, gồm 44,99ha bãi và cầu tàu, 12ha vùng nước trước bến. Chiều dài cầu tàu là 750m, độ sâu trước bến là -14m, có khả năng tiếp nhận tàu container lên đến 100.000DWT, bến cho sà lan 100TEU, đường kính vũng quay tàu 600m, năng lực thông qua khi cảng đạt công suất tối đa là 1.100.000TEU/năm. Dự kiến cảng sẽ chính thức đi vào hoạt động giữa năm 2017.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nhấn mạnh Cảng Hải Phòng là cảng có bề dày truyền thống, có thương hiệu trên thị trường hàng hải thế giới. Nơi đây hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên, xã hội để xây dựng một cảng nước sâu đầu tiên của khu vực phía Bắc.
Cảng Hải Phòng có năng lực thông qua hàng hóa rất cao, đặc biệt là hàng container. Vì vậy việc xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng để tàu 50.000 tấn đầy tải và 100.000 tấn vơi tải có thể cập bến là một yêu cầu cấp thiết.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công tin tưởng, Tân Cảng Sài Gòn sẽ hợp tác chặt chẽ với Molnykit để sớm triển khai Dự án, đưa dự án vào khai thác càng sớm càng tốt. Bởi việc sớm đưa Dự án vào khai thác không chỉ có lợi cho nhà đầu tư mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực.
Bộ Giao thông vận tải sẽ tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư thực hiện Dự án một cách tốt nhất, đúng tiến độ và khai thác có hiệu quả.
DT (TH)