Cảng Nghệ Tĩnh - Sự phát triển vượt bậc

Thứ sáu, 24/01/2014 15:45
Phát huy truyền thống của một cảng biển Anh hùng trong chiến đấu, Cảng Nghệ Tĩnh ngày càng phát triển với mức tăng trưởng những năm gần đây đạt từ 20 – 25%/năm, tạo thu nhập ổn định cho trên 600 lao động với mức tăng 10%/năm và nộp ngân sách mỗi năm hàng chục tỷ đồng…góp phần xứng đáng vào sự phát triển kinh tế xã hội ở Nghệ An nói riêng và khu vực Bắc miền Trung nói chung.

Phát huy truyền thống của một cảng biển Anh hùng trong chiến đấu, Cảng Nghệ Tĩnh ngày càng phát triển với mức tăng trưởng những năm gần đây đạt từ 20 – 25%/năm, tạo thu nhập ổn định cho trên 600 lao động với mức tăng 10%/năm và nộp ngân sách mỗi năm hàng chục tỷ đồng…góp phần xứng đáng vào sự phát triển kinh tế xã hội ở Nghệ An nói riêng và khu vực Bắc miền Trung nói chung.

Cảng Nghệ Tĩnh ngày càng phát triển

Xứng danh Anh hùng

Sau khi miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, ngày 13/10/1955 Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ký Quyết định số 141 về việc "Tạm lập cơ quan quản lý Cảng Bến Thuỷ". Cảng Bến Thuỷ được hình thành với một cầu tàu bằng gỗ lim dài 150, rộng 10m, 4 kho xây bằng gạch lợp ngói rộng 400m2, một bãi chứa than, một âu chứa gỗ, nhà làm việc, nhà ăn và nhà ở tập thể. Đây là tổ chức tiền thân của Cảng Nghệ Tĩnh. Từ đó ngày 13/10 hàng năm được coi là ngày truyền thống của đơn vị.

Để góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội sau khi nước nhà thống nhất, ngày 05/12/1979, Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng cảng Cửa Lò thành cảng quốc tế. Đây là một sự kiện quan trọng của nhân dân tỉnh Nghệ An, là mốc son trên con đường phát triển của Cảng Nghệ Tĩnh. Sau 5 năm xây dựng, đến năm 1984, cảng quốc tế Cửa Lò được hình thành với kết cấu hạ tầng bao gồm 2 bến dài 320 m, diện tích bãi cảng rộng 36.000 m2, 3 kho có diện tích 22.000 m2, độ sâu luồng -5,0 m đảm bảo cho tàu <10.000 tấn ra vào thuận lợi. Năm 1996 Cảng Nghệ Tĩnh được Bộ GTVT phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật xây dựng và nâng cấp phát triển Cảng Cửa Lò với tổng mức đầu tư 138 tỷ đồng, bao gồm 2 bến (bến 3 và bến 4, nhà văn phòng, nhà kho, nhà cân, bãi chứa hàng...). Tháng 7/2007 cảng Cửa Lò – bến cảng của Cảng Nghệ Tĩnh hoàn thành và đưa vào sử dụng (bến 3 đã đưa vào khai thác năm 2001).

Cảng Nghệ Tĩnh  tăng trưởng những năm gần đây

đạt từ 20 – 25%/năm, tạo thu nhập ổn định cho trên 600 lao động


Trong lịch sử gần 60 năm xây dựng và phát triển, nhờ những thành tích trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh thống nhất đất nước, năm 1996 Cảng Nghệ Tĩnh đã được Nhà nước tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Những năm gần đây, Cảng Nghệ Tĩnh chịu sức ép lớn về cạnh tranh sau khi nhiều cảng biển trong khu vực ra đời, trong khi kinh tế khu vực Bắc miền Trung được đánh giá tăng trưởng chậm. Tuy nhiên với truyền thống của một đơn vị Anh hùng, Cảng Nghệ Tĩnh đổi mới mạnh mẽ, xóa bỏ cung cách làm việc cũ để tồn tại trong điều kiện cạnh tranh và môi trường hội nhập.

Nhờ vậy Cảng đã đạt được những bước phát triển vượt bậc. Năm 2013, Cảng đón gần 960 lượt tàu vào làm hàng, tất cả các tàu đều được giải phóng nhanh, đúng lịch trình. Sản lượng hàng thông qua cảng đạt 2.350.000 tấn, tăng 20% so với năm 2012. Doanh thu của Cảng năm 2013 đạt hơn 120 tỷ đồng, tăng 25% so với 2012, thu nhập của người lao động bình quân đạt 6,0 triệu đồng/người/tháng. Cảng Nghệ Tĩnh đề ra mục tiêu năm 2014 tổng sản lượng hàng hoá thông qua là 2.400.000 tấn; trong đó container đạt 700.000 tấn; Tổng doanh thu 125 tỷ đồng; Thu nhập bình quân người lao động đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Đánh giá về sự phát triển của Cảng, ông Trần Văn Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Cảng Nghệ Tĩnh cho biết: “Cảng Nghệ Tĩnh đã bước sang trang sử mới. Không những bộ mặt của Công ty ngày càng khởi sắc mà đời sống cán bộ, công nhân viên cũng được nâng cao”.

Vững tin ở tương lai

Năm 2009, sau khi chuyển sang mô hình Công ty TNHH MTV, Cảng Nghệ Tĩnh đã sắp xếp lại bộ máy, tinh giản đội ngũ, thu hút cán bộ trẻ có năng lực, phẩm chất tốt, đề ra những chiến lược mới trong sản xuất kinh doanh, đầu tư thêm nhiều máy móc thiết bị phục vụ xếp dỡ hàng hóa. Bởi vậy, doanh nghiệp ngày càng phát triển. “Quan hệ với bạn hàng là điều rất quan trọng, làm ăn chữ tín là hàng đầu. Bạn hàng đến với Cảng từ ngày xưa nay vẫn tìm đến. Hàng năm, Cảng đều tổ chức hội nghị khách hàng, tri ân khách hàng” – Tổng giám đốc Cảng Nghệ Tĩnh - ông Lê Doãn Long cho biết.

Những năm gần đây, Công ty Khoáng sản Nghệ An, Công ty Liên doanh SXTM nguyên liệu giấy, Nhà máy chế biến đá trắng OMEA, Công ty CP Bia Sài Gòn - Sông Lam, hãng tàu container là những bạn hàng quan trọng của Cảng. Công ty Nhật Việt Nghệ An là đơn vị hiện đang vận tải bia lon, bia chai cho Nhà máy bia Sài Gòn - Sông Lam, vỏ lon cho Nhà máy vỏ lon Sabeco, cỏ, sữa cho Nhà máy sữa TH, đá và bột đá của các nhà máy ở Khu công nghiệp Nam Cấm như: Á Châu, Trung Đức, Nhà máy Liên hiệp đá trắng, Công ty Khoáng sản Việt Trung, Nhà máy gỗ Tân Việt Trung, vận chuyển hàng container qua cảng Cửa Lò (1.800 container/tháng). Đây là những đối tác truyền thống của Cảng Nghệ Tĩnh.

Cán bộ, CNVLĐ Cảng Nghệ Tĩnh đón mã hàng đầu tiên năm 2014

Giám đốc Công ty vận tải Nhật Việt Nguyễn Quốc Khánh nhận xét: “Cảng Nghệ Tĩnh hiện phát triển vượt bậc so với những năm trước đây. Là doanh nghiệp thường xuyên có hàng qua cảng, tôi thấy công tác xếp dỡ của Cảng ngày một khoa học, chuyên nghiệp, văn minh hơn. Chúng tôi mỗi tuần có 6 chuyến hàng qua cảng, sắp Tết Nguyên Đán hàng nhiều nhưng tiến độ xếp dỡ rất khá”.

Trong công tác chỉ đạo sản xuất, nhằm tránh lãng phí thời gian, nhân lực, vật tư thiết bị, Cảng đã nâng cao một bước về công tác quản lý điều hành, đưa vào khai thác 3 đầu kéo Zeto, đầu tư xây dựng, mở rộng bến số 5 và 6 Cảng Cửa Lò. Hiện nay, Cảng Nghệ Tĩnh đã phát triển tàu container lên 2 tàu, đáp ứng nhu cầu vận chuyển đa dạng của khách. Bằng nguồn vốn tự có, Cảng đã đầu tư năng lực thiết bị, cần cẩu siêu trường siêu trọng và xe máy trong hai năm qua gần 100 tỷ đồng. Nhờ đó mà năng suất bốc dỡ hàng hóa tăng 15-30% so với trước. Năng lực xếp dỡ hàng hóa có ngày đã đạt 12.000 tấn hàng. Các mặt hàng gỗ dăm, đá hộc, đá dăm, bia lon, bia chai, hàng container là những mặt hàng chủ lực của Cảng.

Song song với việc đầu tư trang thiết bị, đơn vị đã đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, mỗi năm có 12-15 sáng kiến được áp dụng trong sản xuất, điển hình là sáng kiến cải tạo mở đáy thùng bốc hàng gỗ dăm bằng ben tự động, tăng năng suất 30%; cải tiến dây chuyền bốc xếp, phân công lại lao động..., góp phần làm lợi hàng trăm triệu đồng.

Trong điều kiện cạnh tranh nên Cảng Nghệ Tĩnh luôn có chính sách giá cả hợp lý để thu hút khách hàng, đồng thời mở thêm tuyến container mới, duy trì tốt tuyến container nội địa, nâng cao sản lượng hàng hoá thông qua Cảng. Đặc biệt, Cảng luôn chú trọng công tác an toàn lao động, xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành công tác bảo hộ lao động, đặc biệt là an toàn lao động trong xếp dỡ hàng hoá; tiếp tục giữ vững ổn định trật tự, an ninh bến cảng, bảo vệ tài sản của Công ty và khách hàng...

Để tiếp tục có những bước đi vững chắc trong tương lai, tập thể cán bộ và công nhân viên Cảng Nghệ Tĩnh đang nỗ lực hết mình để đạt mục tiêu đến năm 2015 hoàn thành bốc xếp 5 triệu tấn hàng hoá, góp phần thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020./.

Ngô Đức Hành


Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:282476
Lượt truy cập: 177.497.137