Dự án xây dựng tuyến đường bộ mới đoạn Mỹ Lộc - Phủ Lý (theo hình thức BT) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 768/TTg-CN ngày 14/6/2007 "về việc xây dựng tuyến đường bộ Phủ Lý - Nam Định". Trong đó, đoạn qua địa phận huyện Mỹ Lộc dài 4,7km, bao gồm Thị trấn Mỹ Lộc và 4 xã: Mỹ Hưng, Mỹ Thịnh, Mỹ Tiến, Mỹ Thuận.
Đây là công trình giao thông được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp II đồng bằng với 4 làn xe, tổng mức đầu tư 3.800 tỷ đồng. Tuyến đường này là dự án chiến lược, mang tầm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế cũng như an ninh, quốc phòng của tỉnh Nam Định. Khi tuyến đường bộ mới hoàn tất sẽ nối mạch với tuyến đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, tạo sự phát triển đồng bộ với khu vực và là cửa ngõ giao thương với các tỉnh trong cả nước, đặc biệt là với Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, tuyến đường còn góp phần cải thiện điều kiện giao thông, tránh ùn tắc, giảm thiểu TNGT cũng như góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế, tăng cường sự giao lưu văn hóa, xã hội của các địa phương nằm trong khu vực tuyến đường trực tiếp đi qua cũng như của các tỉnh trong khu vực.
Trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án tuyến đường bộ mới Mỹ Lộc - Phủ Lý, Hội đồng GPMB huyện Mỹ Lộc đã thực hiện đầy đủ các bước theo đúng trình tự quy định. Hội đồng GPMB luôn quan tâm áp dụng mọi chế độ, chính sách theo hướng đem lại tối đa lợi ích cho người dân. Từ tháng 10/2010 đến nay, UBND huyện Mỹ Lộc đã hoàn thành công tác thu hồi đất, GPMB và bàn giao cho nhà thầu thi công tại địa bàn các xã, thị trấn: Mỹ Hưng, Mỹ Thịnh, Mỹ Tiến, Mỹ Lộc và cơ bản hoàn thành công tác GPMB tại xã Mỹ Thuận với tổng diện tích 34,6ha đất thuộc 551 hộ. Riêng xã Mỹ Thuận còn 8/37 hộ chưa ký phương án GPMB; trong đó còn 4 hộ nằm trên chính tuyến và 4 hộ nằm ngoài chính tuyến.
Để thực hiện nghiêm túc ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định ngày 12/3/2013: Sớm hoàn thành dự án, đưa tuyến đường Nam Định - Phủ Lý vào khai thác phục vụ lợi ích của nhân dân trong tỉnh và khu vực, trong đó có lợi ích của người dân nơi con đường trực tiếp đi qua; đồng thời, để tránh lãng phí khi công trình hàng nghìn tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành nhưng vẫn chưa bàn giao hết mặt bằng, UBND huyện tập trung thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ GPMB. Hiện tại, Hội đồng GPMB tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là đối với các hộ chưa chấp thuận phương án bồi thường hạ tầng GPMB để người dân nắm vững các quy định của pháp luật và hiểu rõ về ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của Dự án, từ đó tự giác chấp hành tốt các quy định của pháp luật về GPMB, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Quan tâm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích cho người dân bị thu hồi đất, nhất là đối với những hộ chính sách, hộ khó khăn chấp hành GPMB. Chuẩn bị phương án và tổ chức cưỡng chế GPMB đối với những hộ nằm trên chính tuyến không chấp hành bàn giao mặt bằng đảm bảo nghiêm minh, an toàn, đúng trình tự, thủ tục của pháp luật; nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công để hoàn thành Dự án đúng tiến độ.
Bên cạnh sự nỗ lực của hệ thống chính trị, các hộ dân có đất đai, tài sản nằm trên địa bàn Dự án đi qua, phải tiến hành GPMB cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình cũng như ý nghĩa, tầm quan trọng của Dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh Nam Định và các tỉnh trong khu vực; những lợi ích thiết thân mà mỗi người dân sẽ được hưởng từ Dự án. Từ đó, thực hiện tốt nghĩa vụ chấp hành các quy định của pháp luật, góp phần hoàn thành công tác GPMB, bàn giao cho nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình; không nên đưa ra những đòi hỏi không chính đáng, gây khó khăn, cản trở trong việc thực hiện nhiệm vụ GPMB./.
Nguồn: Báo Nam Định