Các tuyến đường liên xóm được mở rộng, cây cầu tre vào xóm đã được xây dựng kiên cố hóa, người dân có nhà văn hóa để sinh hoạt... Đó là những chuyển biến rõ nét ở xóm nghèo Na Biểu (xã Phủ Lý, Phú Lương, Thái Nguyên).
Về xóm Na Biểu, chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh chiếc cầu tre tạm nối xóm với trung tâm xã và các vùng lân cận đã được thay bằng cây cầu kiên cố. Ô tô có thể vào đến trung tâm xóm. Bà Hoàng Thị Hằng, Bí thư Chi bộ xóm Na Biểu cho biết: “Cây cầu kiên cố này được làm từ năm 2010, với tên gọi là cầu Bến Đá. Những năm trước, để vào xóm, người dân phải dắt xe qua cầu, nên sản phẩm nông nghiệp làm ra thường bị tư thương ép giá, số hộ nghèo khi đó chiếm gần 60%. Từ khi có cầu cứng, việc đi lại dễ dàng hơn, các giống vật nuôi, cây trồng cho năng suất cao cũng được đưa vào sản xuất, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Xóm có 65 hộ với gần 300 nhân khẩu thì chỉ còn 30% số hộ thuộc diện nghèo. Gần 15ha đất đồi, bãi trước kia bỏ hoang nay được bà con cải tạo để trồng chè, rừng; nhiều mô hình chăn nuôi gia trại cho thu nhập khá đã xuất hiện tại địa phương...”.
Cùng việc xây dựng cầu, đến nay, hơn 2km đường liên xóm (nối Na Biểu với 2 xóm Na Dau và Đồng Chợ) cũng đã được mở rộng nhờ cách làm hiệu quả, sáng tạo của cấp ủy, chi bộ và sự đồng lòng hiến hàng nghìn m2 đất và ngày công của nhân dân.
Trong ngôi nhà văn hóa mới hoàn thiện vào cuối tháng 1/2013, các bà, các chị xúng xính trong các bộ quần áo đẹp, cùng bà con chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Công trình nhà văn hóa trị giá trên 90 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng, còn lại là do xóm vận động từ nhân dân, với mức đóng 700 nghìn đồng/hộ... Anh Lưu Văn Huân, người dân trong xóm cho biết: “Có nhà văn hóa rồi, các hoạt động của xóm sẽ thường xuyên được tổ chức, bà con chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội để gặp gỡ, giao lưu. Tình làng nghĩa xóm chắc chắn sẽ trở lên gắn kết hơn. Tôi thực sự rất phấn khởi…”
Từ những kết quả đạt được nhờ nỗ lực vượt khó của nhân dân trong xóm, Na Biểu được xã Phủ Lý chọn làm xóm điểm xây dựng nông thôn mới. Cuối năm 2012, xóm tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ Dự án bê tông hóa 500m đường trục chính, xây dựng đầm, bờ hồ phục vụ nước tưới tiêu cho sản xuất. Nhờ nền đường đã được mở rộng từ trước nên trong đợt này, xóm chỉ vận động nhân dân có ruộng tại khu vực bờ hồ hiến đất. Sau khi được tuyên truyền, vận động, bà con đã đồng lòng ủng hộ, 15 hộ dân đã hiến gần 3.000 m2 đất để triển khai Dự án. Nhiều hộ đã hiến hàng trăm m2 đất như: Anh Mạc Văn Bình (gần 1.000 m2), anh Lưu Thanh Bảng (600 m2), anh Hoàng Văn Tỉnh (gần 400 m2)... Là hộ hiến nhiều đất ruộng nhất, anh Mạc Văn Bình cho biết: “Lúc đầu, khi biết phải hiến nhiều đất, chúng tôi cũng tiếc lắm, không muốn hiến. Nhưng sau đó tôi đã hiểu, Nhà nước xây dựng các công trình là cũng là để giúp nhân dân phát triển kinh tế, có cuộc sống tốt hơn, vậy nên, mỗi người dân cũng cần phải góp sức vào đó".
Có thể thấy, với sức mạnh đoàn kết của cấp ủy đảng, các đoàn thể và nhân dân trong xóm, bộ mặt xóm nghèo Na Biểu đang dần thay đổi theo thời gian.
Nguồn: Báo Thái Nguyên