Sáng 12/2, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đã khảo sát thực tiễn quá trình 30 năm đổi mới tại Cảng vụ Hải Phòng và Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng. Cùng dự có Phó chủ tịch UBND Thành phố Lê Văn Thành và lãnh đạo các ngành liên quan.
Kết quả khảo sát cho thấy, qua 30 năm đổi mới, cảng biển khu vực Hải Phòng có bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Từ chỗ năng suất bốc xếp chỉ 2,6 triệu tấn năm 1986, năm 2013 đã đạt 55,5 triệu tấn. Hiện có 36 doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng biển với tổng chiều dài cầu cảng hơn 10.500m, trong đó có 12 bến hàng lỏng có trọng tải đến 10.000 DWT; 9 bến cảng container và 21 bến cảng làm hàng tổng hợp với khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 40.000 DWT giảm tải… Hoạt động của các cảng biển Hải Phòng đóng góp to lớn vào sự phát triển của Thành phố. Sắp tới khi Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng hoàn thành, vai trò và vị trí của cảng biển trong sự phát triển của Thành phố càng được phát huy mạnh mẽ hơn. Trong hệ thống các cảng biển khu vực Hải Phòng, Cảng Hải Phòng chiếm thị phần lớn, với tổng sản lượng hàng hóa năm 2013 là 18,8 triệu tấn. Hiện Cảng Hải Phòng tích cực đầu tư mở rộng, hoàn thành quá trình cổ phần hóa để nâng cao năng lực bốc xếp và khả năng cạnh tranh.
Tuy nhiên, sự lớn mạnh của cảng kéo theo một số vấn đề bất cập về mô hình quản lý cảng; Cảng nhiều nhưng không mạnh; cạnh tranh lẫn nhau, kéo giảm giá cước, giá dịch vụ, gây thiệt hại cho chính các cảng và làm ảnh hưởng tới môi trường dịch vụ chung của hệ thống cảng Hải Phòng. Việc nạo vét luồng vào cảng Hải Phòng cũng bị động và chưa đáp ứng yêu cầu, luôn gặp khó khăn về kinh phí nạo vét hàng năm. Công tác cải cách hành chính tuy được thực hiện riết róng trong những năm gần đây, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Việc quản lý tổng hợp vùng bờ, quản lý hệ thống dịch vụ hậu cần sau cảng còn hạn chế…
Từ thực tế đó, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành yêu cầu xác định rõ nguyên nhân tại sao sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng tăng nhanh; tại sao có một tỷ lệ hàng rời chuyển đi nơi khác; mô hình quản lý các cảng như thế nào phù hợp với thực tế và đáp ứng yêu cầu phát triển, gắn với phát triển bền vững, xây dựng cảng xanh… Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, khảo sát thực tế qua 30 năm đổi mới là nhằm làm sáng tỏ đường lối đổi mới của Đảng; thấy rõ bài học thành công và cả những bài học không thành công. Từ đó đưa ra các đề xuất có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn, đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới, đạt được nhiều thành tựu lớn hơn, khắc phục kịp thời và có giải pháp giải quyết, xử lý các vướng mắc, hạn chế… Đây cũng là dịp thích hợp để đánh giá chi tiết cảng biển khu vực Hải Phòng đang đứng ở đâu và sẽ phát triển như thế nào trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Do đó, ngoài việc đánh giá đúng sự phát triển của cảng, cần nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém và đề xuất giải pháp với thành phố và trung ương. Theo đó, đồng chí Bí thư Thành ủy Hải Phòng yêu cầu cần tiếp tục kiên định về hướng phát triển của các cảng biển Hải Phòng; rà soát lại cơ chế quản lý, thủ tục; kết nối hệ thống giao thông, gắn với dịch vụ logistics; nghiên cứu mô hình quản lý cảng để vận hành thống nhất và đồng bộ, xây dựng quy chuẩn các cảng, tạo sự liên kết, phối hợp, tăng sức mạnh, sức cạnh tranh; khẩn trương thực hiện Kết luận 72 của Bộ Chính trị về xây dựng thành phố Cảng xanh…
Đối với Cảng Hải Phòng, đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu nhận thức rõ vị trí của cảng hiện nay và hướng phát triển trong tương lai, xây dựng các chỉ số nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh; huy động các nguồn lực để hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển./.
Nguồn: Báo Hải Phòng