Sáng 24/2, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành chức năng nghe báo cáo việc đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT) cho các xã trọng điểm.
Theo báo cáo của Sở giao thông vận tải Bình Phước, thiết kế đường GTNT có 4 cấp: AH, A, B và C. Đường AH địa hình miền núi có tốc độ tính toán 20km/h, mặt đường rộng 3,5m và chiều rộng nền đường 6m; cấp A có tốc độ tính toán 10-15km/h, bề rộng mặt 3,5m, bề rộng nền 5m; cấp B có tốc độ tính toán 10-15km/h, bề rộng mặt 3m, bề rộng nền 4m…
Về nguồn vốn đầu tư, huy động sự ủng hộ từ nhân dân và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Đối với vùng kinh tế phát triển, khuyến khích đóng góp 100% để xây dựng theo các định hướng: vận động nhân dân, tổ chức đóng góp bằng tiền mặt căn cứ vào diện tích sử dụng đường; trường hợp Nhà nước hỗ trợ toàn bộ vật tư, chi phí máy móc thiết bị, phần lao động thủ công huy động nhân dân đóng góp bằng ngày công lao động…
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn xây dựng GTNT hiệu quả phải huy động tốt các nguồn lực từ nhân dân và hạn chế tối đa thủ tục hành chính không cần thiết; xây dựng mô hình thiết kế mẫu phù hợp với thực tế của địa phương và hướng dẫn cho các xã thực hiện…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh: Nguồn vốn đầu tư cho nông thôn mới hàng năm không nhiều, do vậy không nên đầu tư dàn trải mà phải tập trung vào những hạng mục thiết yếu, trong đó ưu tiên điện - đường - trường - trạm thực hiện trước.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm cho rằng: Muốn làm GTNT tốt phải có kế hoạch cụ thể và xây dựng mô hình điểm để nhân rộng. Không chỉ học tập những cách làm hay mà các cấp, các ngành cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phong phú để thu hút nhân dân tham gia làm GTNT.
Theo Báo Bình Phước