Cầu nối doanh nghiệp với hãng tàu

Thứ hai, 21/04/2014 10:11
Năm 2013, lần đầu tiên Cảng Đà Nẵng chạm mốc 5 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng, cao nhất từ khi thành lập đến nay. Trong quý 1/2014, Cảng thực hiện gần 1,3 triệu tấn hàng hóa, trong đó mặt hàng chủ lực là hàng container tiếp tục tăng trưởng với trên 47 nghìn TEUs, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2013, lần đầu tiên Cảng Đà Nẵng chạm mốc 5 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng, cao nhất từ khi thành lập đến nay. Trong quý 1/2014, Cảng thực hiện gần 1,3 triệu tấn hàng hóa, trong đó mặt hàng chủ lực là hàng container tiếp tục tăng trưởng với trên 47 nghìn TEUs, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, sau một thời gian kiên trì vận động các hãng tàu biển và doanh nghiệp, đến nay tại Cảng Tiên Sa đã có 4 tuyến container nội địa đưa vào khai thác, mở ra cơ hội vận chuyển hàng hóa giá rẻ bằng đường thủy cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và khu vực miền Trung - Tây Nguyên


Bốc xếp hàng container tại Cảng Tiên Sa

Mặc dù vậy, trao đổi về những kết quả rất ấn tượng này, ông Nguyễn Thu, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng lại tỏ ra rất khiêm tốn: “Chúng tôi chỉ làm tốt nhiệm vụ cầu nối giữa các hãng tàu và các nhà sản xuất, kinh doanh thôi”. Nhưng, để làm tốt vai trò “chiếc cầu nối” này là cả một quá trình nỗ lực không ngừng của Cảng Đà Nẵng trong việc tạo mọi điều kiện cho cả các hãng tàu lẫn doanh nghiệp. Khâu đầu tiên Cảng Đà Nẵng chọn đột phá là đơn giản hóa thủ tục hành chính và hiện đại hóa hạ tầng, phương tiện bốc dỡ hàng hóa. Nhờ vậy, hiện nay mọi thủ tục về khai báo doanh nghiệp không cần đến tại cảng mà có thể khai báo qua mạng rất tiện lợi. Đặc biệt, việc đầu tư hàng trăm tỷ đồng trang bị phương tiện bốc dỡ hiện đại đã rút ngắn đáng kể thời gian tàu “nằm” tại cảng. Ví dụ, nếu trước đây tàu hàng lớn vào cảng phải mất ít nhất từ 10 đến 24 giờ mới giải phóng hàng, thì hiện nay chỉ còn 4-5 tiếng; nhờ vậy đã giảm chi phí rất nhiều cho cả các hãng tàu lẫn doanh nghiệp. Một ví dụ điển hình là trước đây, một container hàng từ Cảng Tiên Sa đi Đài Loan có giá từ 400-500 USD, nhưng giờ đây chỉ còn 100 USD, cá biệt có thời điểm hạ xuống còn 50 USD. Ngay cả việc di dời Cảng Sông Hàn đã được UBND thành phố chấp thuận là cho di dời từng phần đã được các doanh nghiệp đánh giá rất cao, vì không đẩy họ vào thế bị động dẫn đến phá bỏ hợp đồng đã ký kết với khách hàng cũng như giúp họ giảm bớt được chi phí vận chuyển.

Sau rất nhiều nỗ lực để thu hút khách hàng chuyển hàng hóa bằng đường bộ sang đường thủy, Cảng Đà Nẵng đã hình thành và duy trì mỗi tuần có đến 4 chuyến tàu container nội địa đi Cảng Sài Gòn và Hải Phòng. Theo tính toán của các doanh nghiệp, nếu vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy sẽ giảm khoảng 20-30% chi phí so với đường bộ. Vì vậy, sau khi hình thành được tuyến container nội địa, nhất là tăng mật độ 4 chuyến/tuần, ngay lập tức Cảng Đà Nẵng đã thu hút một lượng khách hàng lớn. Đến nay đã có trên 90% doanh nghiệp lớn trên địa bàn thành phố và khu vực miền Trung-Tây Nguyên từ bỏ vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ sang đường biển.

Cảng Đà Nẵng đang hướng đến mục tiêu 5,5 triệu tấn hàng trong năm 2014. Đây là mục tiêu hoàn toàn nằm trong tầm tay, tuy nhiên theo ông Nguyễn Thu, hiện nay Cảng Đà Nẵng đối mặt với tình trạng quá tải cả về cầu cảng, lẫn kho bãi. Hiện nay, cả cầu cảng bốc dỡ hàng rời cũng như hàng container luôn kín lịch các hãng tàu cập bến. Trong khi đó còn phải chia sẻ cầu cảng cho các tàu du lịch, khiến cho sự quá tải càng gia tăng. Vì vậy, Cảng Đà Nẵng rất cần sự hỗ trợ từ UBND Thành phố trong việc sớm triển khai các dự án mở rộng và xây dựng thêm cầu cảng, mà trước mắt là hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch đầu tư giai đoạn 2011-2017 đã được thông qua để Cảng Đà Nẵng hoàn thành tốt vai trò “cầu nối” của mình.

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:204896
Lượt truy cập: 176.732.621