Trong vài năm gần đây, việc xây dựng giao thông nông thôn ở Hậu Giang không chỉ là xóa lộ đất mà còn được các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại.
Lộ nông thôn mặt rộng 3,5m ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ.
Nếu không tính những tuyến đường ô tô về trung tâm thì 100% số ấp, khu vực trên toàn tỉnh đều có đường xe 2 bánh đi lại được trong cả 2 mùa mưa nắng. Tuy nhiên, công tác đầu tư nâng chất hệ thống giao thông hiện hữu vẫn được từng địa phương tiếp tục tập trung thực hiện nhằm đáp ứng mục tiêu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân trong tình hình mới.
Đảm bảo mục tiêu sử dụng lâu dài
Quan điểm thực hiện chiến dịch giao thông - thủy lợi mùa khô và trồng cây (chiến dịch) năm nay của Hậu Giang là các công trình đầu tư xây dựng phải có hiệu quả, chất lượng, phù hợp. Còn mục tiêu làm đường sá phải đảm bảo chọn lựa quy mô kỹ thuật giao thông phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn trong thời kỳ mới. Trên cơ sở đó, khi bắt tay thực hiện, hầu hết các tuyến đường, chiếc cầu được xây mới, kể cả nâng cấp, mở rộng đều có kết cấu bề mặt bằng bê tông rộng từ 2,5m trở lên, thay vì chỉ có 2m như những năm trước đây.
Định hướng kế hoạch đầu tư trong thời gian tới, anh Phạm Thanh Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú, huyện Long Mỹ cho rằng: Địa phương sẽ tận dụng tối đa nguồn lực trong dân và các nhà tài trợ khắp nơi để tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thiện mặt cứng bằng bê tông cho các tuyến lộ đã xây lắp xong nền hạ trong năm 2014. Đồng thời, quan tâm bố trí kinh phí đầu tư, nâng cấp mở rộng các tuyến giao thông đã được đầu tư xây dựng trước đây, mặt rộng 2m đang bị xuống cấp nhằm kịp thời giải quyết nhu cầu đi lại cho người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn trước mắt, cũng như lâu dài.
Hướng mắt ra phía con lộ nông thôn mặt rộng 3,5m, cặp tuyến kênh Bảy Thưa chạy qua trước nhà, chị Huỳnh Thanh Tiền, ở ấp Sơn Phú 2A, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy nhìn nhận: “Đường sá bây giờ không chỉ thông thoáng, rộng rãi, đi lại thuận lợi mà còn sạch đẹp, sáng lên từng ngày. Đó là nhờ Nhà nước quan tâm kêu gọi người dân nơi đây hiến đất đai, cây trái, thậm chí là tiền của để từng bước nâng cấp, mở rộng tuyến lộ nhựa, bề mặt chỉ có 2m trước đây. Bên cạnh đó, vận động mọi nhà trồng thêm cây xanh, hoa kiểng, góp phần tạo cảnh quan môi trường nông thôn, chống xói mòn hai bên chân ta-luy, giúp con lộ sử dụng dài lâu”.
Tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới
Năm nay, huyện Long Mỹ không giao chỉ tiêu đầu tư mới cho xã Vĩnh Viễn, nhưng để góp phần xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông đáp ứng tiêu chí xã nông thôn mới, địa phương này cũng đã tranh thủ làm mới được 1,1km lộ bê tông, mặt rộng 2,5m từ cầu Năm Dòi ra sông Nước Trong, thuộc địa bàn ấp 5. Tuyến đường được thực hiện theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, dưới sự giám sát của cộng đồng kể trên có tổng kinh phí thực hiện khoảng 650 triệu đồng. Đáng ghi nhận là địa phương còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân sở tại tiến hành sửa chữa, giặm vá 18 tuyến lộ, với tổng chiều dài trên 29km đã bị xuống cấp, hư hỏng trên địa bàn.
Anh Lê Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn cho hay: Trong năm nay, Vĩnh Viễn quyết tâm thực hiện đạt cơ bản tiêu chí giao thông xã nông thôn mới. Trước mắt, địa phương tiếp tục nâng cấp, mở rộng hoàn thiện thêm một số tuyến lộ theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, với tổng chiều dài trên 7km đi qua địa bàn các ấp 4, 5 và 11, có kết cấu mặt bê tông, rộng từ 2,5-3,5m. Ngoài ra, tập trung rà soát tất cả hệ thống cầu khỉ nằm trên các tuyến lộ đất để chuyển sang làm mới lại bằng ván ngay trong chiến dịch năm 2014. Cũng như xúc tiến khởi công xây dựng chiếc cầu bê tông kiên cố ở ấp 11, trị giá khoảng 800 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa.
Tại buổi lễ phát động ra quân thực hiện chiến dịch năm nay, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lê Văn Năm đánh giá: Nhìn chung, hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi của tỉnh đã có bước phát triển căn bản đúng theo quy hoạch, không chỉ tăng về số lượng mà còn nâng cấp về chất lượng, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Các tuyến đường nối ấp liền ấp, xã liền xã đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội và thu hút các lĩnh vực đầu tư về khu vực nông thôn, tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Theo Báo Hậu Giang