Theo Công văn số 2049/BGTVT-VT, ngày 28/2/2014 của Bộ GTVT, đến hết 30/4/2014, Sở GTVT các địa phương phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan phải rà soát và thực hiện xong việc khám sức khỏe cho toàn bộ đội ngũ lái xe, kiên quyết không để lái xe không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe điều khiển phương tiện.
Thế nhưng, thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, vẫn còn một số doanh nghiệp (DN) vận tải đang lơ là với công tác này, chỉ chú ý đến việc kiểm tra, đối chiếu giấy khám sức khỏe của lái xe khi mới nhận vào làm việc.
Theo kết quả kiểm tra của lực lượng chức năng trên địa bàn Tỉnh cuối năm 2013 đối với các đơn vị vận tải cho thấy, có 1 DN có đến 6 lái xe không có giấy khám sức khỏe, 1 DN có 27 lái xe không có sổ khám sức khỏe định kỳ. Bên cạnh đó, một số DN nhận người hợp đồng lao động khi các giấy tờ về sức khỏe chưa đầy đủ, sổ khám sức khỏe định kỳ một số trường hợp thiếu ảnh; không có chữ ký của người lập sổ, chủ sổ; không có phần kết luận của cơ sở y tế theo quy định của pháp luật. Còn việc thực hiện Công văn 2049, tính đến đầu tháng 5/2014 toàn tỉnh mới chỉ có 21/51 đơn vị vận tải báo cáo về tình hình khám sức khỏe cho lái xe. Thực tế, các DN vận tải không mấy quan tâm đến vấn đề sức khỏe của lái xe đã tồn tại từ nhiều năm nay, dẫn đến một số tài xế nghiện ma túy vẫn được điều khiển phương tiện giao thông, gây nguy hiểm cho tính mạng của hành khách; thậm chí có tài xế nghiện trong thời gian dài nhưng đơn vị quản lý không biết, hoặc biết nhưng không xử lý. Đơn cử, cách đây ba năm có lái xe của 1 DN trên địa bàn tỉnh đã gây ra một vụ TNGT thảm khốc, làm chết và bị thương hàng chục người, qua quá trình xác minh của cơ quan chức năng cho thấy tài xế này từng có tiền sử sử dụng chất ma túy, nhưng đơn vị quản lý không hề biết.
Lái xe là nghề đặc thù, đặc biệt đối với lái xe khách, phía sau tay lái của họ là hàng chục tính mạng con người. Nếu không đủ điều kiện sức khỏe, đặc biệt là đối với những tài xế có vấn đề về hệ thần kinh thì đây là một trong những nguyên nhân khiến lái xe không kiểm soát được hành vi khi điều khiển phương tiện, dẫn đến tai nạn. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần đôn đốc để các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm Công văn 2049; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm đối với các DN không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe, không loại bỏ lái xe không đủ điều kiện sức khỏe (nhất là những tài xế sử dụng chất kích thích) khi điều khiển phương tiện để qua đó thực hiện mục tiêu giảm TNGT ngay từ gốc nhằm tạo niềm tin đối với hành khách khi lựa chọn loại hình vận tải này.
Nguồn: Báo Đắk Lắk