Sáng 6/6, tại Hà Nội, Bộ GTVT phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Tăng cường công tác tuyên truyền về bảo đảm an toàn cho người sử dụng các phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện” nhằm tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến việc sử dụng xe máy điện và xe đạp điện, góp phần nâng cao an toàn cho người sử dụng.
Đại diện các Bộ: Công an, Công thương, Giáo dục và đào tạo, Khoa học và công nghệ; Lãnh đạo một số Vụ, Cục, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT); Văn phòng Uỷ ban ATGT quốc gia; WHO; các chuyên gia về xe máy điện, xe đạp điện… đã tham dự Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Lê Minh Châu - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT Bộ GTVT cho biết trong thời gian qua, trên thị trường xuất hiện rất nhiều chủng loại xe máy điện, xe đạp máy (bao gồm cả xe đạp điện) chưa rõ nguồn gốc và chưa được kiểm soát chất lượng an toàn kỹ thuật. Hoạt động tham gia giao thông đối với loại hình phương tiện xe máy điện, xe đạp điện đang có diễn biến phức tạp, đặc biệt khi người sử dụng xe máy điện, xe đạp điện chủ yếu là học sinh, sinh viên. Do đó, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền về bảo đảm an toàn cho người sử dụng các phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện, góp phần nâng cao an toàn cho người sử dụng.
Bà Lê Minh Châu - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự thống nhất cho rằng hiện tượng người tham gia giao thông, trong đó có học sinh, sinh viên điều khiển xe máy điện, xe đạp điện đi với tốc độ cao, chở quá số người quy định, dàn hàng ngang, lạng lách, không đội mũ bảo hiểm… vi phạm Luật Giao thông đường bộ đang có chiều hướng gia tăng, gây mất ATGT, ùn tắc giao thông. Thực tế đã ghi nhận một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra có liên quan đến việc sử dụng phương tiện tham gia giao thông là xe máy diện, xe đạp điện... gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Liên quan tới công tác tuyên truyền đảm bảo bảo an toàn cho người sử dụng xe hai bánh chạy bằng điện, các đại biểu cho rằng các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn nữa tới loại hình phương tiện đặc biệt này. Cụ thể, thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư số 39, 41, 56, 44, 15 của các Bộ, ngành hiện mới có 7 địa phương trên cả nước (Hà Nội, Bến Tre, Nam Định, Vĩnh Phúc, Yên Bái, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau) xây dựng chuyên đề riêng, đưa ra kế hoạch xử lý vi phạm đối với người sử dụng xe máy điện, xe đạp điện vi phạm trật tự ATGT đường bộ.
Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng C67 báo cáo tham luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất kiến nghị các cơ quan chức năng một số nhóm giải pháp cho việc đảm bảo an toàn cho người sử dụng các phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện về cơ chế, chính sách và tuyên truyền. Trong đó, về nhóm giải pháp về tuyên truyền tăng cường tuyên truyền Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường tuyên truyền đội mũ bảo hiểm và cài quai đúng quy cách; không sử dụng điện thoại di động, tai nghe nhạc khi đang sử dụng xe máy điện, xe đạp điện; nâng cao ý thức pháp luật cho học sinh về việc bảo đảm an toàn cho người sử dụng phương tiện này.
Báo cáo tham luận tại Hội thảo, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C67 - Bộ Công an) cho rằng vấn đề đăng ký, quản lý xe máy điện và xe đạp điện đang được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, nhiều người còn nhầm lẫn giữa xe máy điện và xe đạp điện, không hiểu loại xe nào phải đăng ký, xe nào không phải đăng ký dẫn đến việc hiểu sai gây hoang mang trong nhân dân. Do đó, cần phải phân loại rõ xe máy điện, xe đạp điện và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hai loại phương tiện này. Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đến đăng ký đối với loại phương tiện xe máy điện để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền kết hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT đối với người điều khiển loại phương tiện này để góp phần xây dựng một xã hội văn minh, trật tự ATGT.
Ông Nguyễn Quang Huy - Vụ Khoa học công nghệ Bộ GTVT báo cáo tham luận tại Hội thảo
Về quy định lưu hành phương tiện và nội dung tuyên truyền, ông Nguyễn Quang Huy - Vụ Khoa học công nghệ Bộ GTVT cho biết, quy định lưu hành phương tiện được nêu rõ Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật 68/2006/QH11, Luật Giao thông Đường bộ 23/2008/QH12. Nội dung tuyên truyền cần phân loại phương tiện xe đạp điện (xe đạp điện, xe đạp trợ lực điện), xe gắn máy điện (mô tô điện), bảo quản phương tiện (an toàn khi sạc ắc quy, cất giữ đúng yêu cầu kỹ thuật, bão dưỡng định kỳ các bộ phận của phương tiện, lưu ý khi sử dụng trời mưa, nắng), bên cạnh đó quy định khi tham gia giao thông (tuổi được điều khiển phương tiện), bằng lái xe khi điều khiển, phương tiện phải có biển số nếu đã quy định, mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và tuân thủ luật giao thông đường bộ.
Về công tác bảo đảm an toàn cho người sử dụng xe đạp điện, xe đạp máy, xe đạp điện cho học sinh, ông Dương Văn Bá - Phó Vụ trưởng, Vụ Công tác học sinh - sinh viên (Bộ Giáo dục và đào tạo) cho biết, với trên 22 triệu học sinh, sinh viên, việc giảm nguy cơ tai nạn cũng như xây dựng được thế hệ có kỹ năng, ý thức tốt khi tham gia giao thông là một trong những yêu cầu cơ bản và quan trọng của công tác bảo đảm ATGT. Bộ Giáo dục và đào tạo có văn bản yêu cầu các Sở Giáo dục và đào tạo chỉ đạo các các đơn vị trực thuộc tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho học sinh các quy định của pháp luật về quy tắc tham gia giao thông và các hình thức xử phạt khi sử dụng xe máy điện, xe đạp điện, xe đạp máy vi phạm quy tắc giao thông; xây dựng phương án, kế hoạch quản lý, giám sát học sinh sử dụng xe máy điện, xe đạp điện, xe đạp máy đến trường.
Xuân Nguyên