Nam Định: Tập trung các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy

Thứ hai, 05/05/2014 00:00

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” do Ủy ban ATGT quốc gia phát động, năm 2014, Ban ATGT tỉnh đã tập trung triển khai, xây dựng nhiều chương trình, hoạt động mới.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” do Ủy ban ATGT quốc gia phát động, năm 2014, Ban ATGT tỉnh Nam Định đã tập trung triển khai, xây dựng nhiều chương trình, hoạt động mới.

Theo đó, Ban ATGT tỉnh tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình trong cuộc vận động "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước", bao gồm: "Làng chài tự quản", "Đoạn, tuyến sông văn hóa an toàn", "Bến phà văn hóa, an toàn", "Đoạn sông Đào Thành phố Nam Định an toàn". Các mô hình trên hoạt động khá hiệu quả, góp phần bảo đảm trật tự ATGT đường thủy. Từ đầu năm đến nay, Ban ATGT tỉnh đẩy mạnh thực hiện chương trình "Vì an toàn trẻ em trên sông nước". Ban Chỉ đạo cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” và Ban ATGT các huyện, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy và phòng, chống đuối nước trẻ em; tuyên truyền cho các em nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về an toàn và cách xử lý các tình huống đột xuất xảy ra; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong bảo đảm trật tự ATGT đường thủy với phòng, chống đuối nước trẻ em ở các địa bàn trọng điểm; trang bị kỹ năng về bơi lội; cách xử lý các tai nạn xảy ra trên đường thủy; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và sự quan tâm của cộng đồng đối với an toàn của trẻ em. Ban Chỉ đạo cuộc vận động và Ban ATGT các huyện, thành phố còn phối hợp với ngành VH, TT và DL tiếp tục nhân rộng phong trào phổ cập dạy bơi cho học sinh các trường tiểu học, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên bơi lội, hướng dẫn viên cứu đuối, mở một số lớp bơi thí điểm ở các địa bàn trọng điểm; phổ biến rộng rãi cuộc thi viết "Vì một môi trường đường thủy an toàn với trẻ em" do Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp với Bộ GD và ĐT tổ chức trong các trường THCS và tiểu học; xây dựng và thực hiện các tiêu chí về điều kiện an toàn cho trẻ em như: đảm bảo an toàn luồng tuyến, bến, điểm neo đậu phương tiện…, tập trung vào những địa bàn, bến khách thường xuyên có trẻ em sinh sống và tham gia giao thông. Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) đã tăng cường thực hiện kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, kết hợp tuyên truyền các quy định về trang thiết bị, dụng cụ an toàn của phương tiện và người đi đò không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang theo dụng cụ nổi khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải khách ngang sông trên sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ và sông Đáy.


Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Công đoàn Việt Nam tổ chức trao tặng 275 cặp phao cứu sinh cho học sinh Trường Tiểu học Hồng Thuận C (Giao Thủy).

Trong chiến dịch kiểm tra từ ngày 10 đến 31/3/2014, Phòng Cảnh sát đường thuỷ đã kiểm tra 101 bến đò trên toàn tỉnh, nhắc nhở gần 50% bến và chủ đò; lập biên bản, xử lý 59 bến với 63 đò, đình chỉ hoạt động 1 phương tiện tại bến Thổ Cư, xã Nghĩa Hùng (Nghĩa Hưng); xử lý hành chính 38 trường hợp, phạt tiền 23 triệu 350 nghìn đồng với các lỗi vi phạm như: hành khách không mặc áo phao khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải khách ngang sông, trang bị không đủ số lượng dụng cụ cứu sinh, không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị an toàn cho khách đi đò... Trong quá trình kiểm tra bến, phương tiện vận tải khách ngang sông, Phòng Cảnh sát đường thủy đã yêu cầu 100% các chủ bến, chủ phương tiện cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa, các quy định trong hoạt động vận tải khách ngang sông. Tất cả các trường hợp vi phạm, Phòng Cảnh sát đường thủy đều thông báo kịp thời tới cơ quan chức năng, chính quyền các cấp để phối hợp quản lý, phòng ngừa TNGT đường thủy trên địa bàn. Nhờ thường xuyên tuyên truyền và đẩy mạnh công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định nên ý thức của các chủ đò, lái đò và hành khách đã được nâng lên, tạo thói quen đi đò mặc áo phao, sử dụng dụng cụ cho hành khách. Các vi phạm về điều kiện hoạt động, đăng ký, đăng kiểm, giấy phép, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện chủ yếu chỉ còn xảy ra trên tuyến sông Đáy, còn trên các tuyến sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ đã giảm mạnh. Để siết chặt quản lý, giảm tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép, lấn chiếm luồng tàu chạy, từ ngày 1 đến 30-4-2014, Phòng Cảnh sát đường thủy tập trung thực hiện chiến dịch kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh, khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ; riêng tuyến sông Đáy thuộc địa phận các huyện Nghĩa Hưng, Ý Yên phối hợp với lực lượng Cảnh sát đường thủy tỉnh Ninh Bình thực hiện. Thông qua tuần tra, kiểm soát, Phòng Cảnh sát đường thủy đã phát hiện những khu vực bị khan cạn, những bất cập về hệ thống biển báo hiệu đường thủy để kiến nghị với các cơ quan chức năng phối hợp khắc phục, bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, các cấp, ngành và các huyện, thành phố cần tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn TNGT đường thủy nội địa như: Chủ động nắm chắc dự báo bão, lũ, lụt có thể xảy ra trên địa bàn năm 2014; phát hiện, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền khắc phục, sửa chữa kịp thời những sơ hở, thiếu sót, những ẩn họa trong hệ thống đê, kè, cống, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa, bão, lũ gây ra. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, hậu cần, thông tin liên lạc, các trang thiết bị khác sẵn sàng triển khai khi có lũ, bão xảy ra. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người tham gia giao thông đường thủy nội địa và những người điều khiển phương tiện vận tải thủy, người lái đò, người đánh bắt thủy, hải sản và những người làm nghề trên sông. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát theo hướng khép kín địa bàn, kiên quyết xử lý những lỗi vi phạm là nguyên nhân chính gây TNGT đường thủy. Đối với các phương tiện chở khách qua sông, tiếp tục duy trì hồ sơ theo dõi định kỳ từng bến đò, bến phà; riêng các bến đò, bến phà trọng điểm phải kết hợp với công an các huyện, xã và các ngành chức năng kiểm tra thường xuyên hoặc kiểm tra đột xuất để phát hiện kịp thời các sai phạm và xử lý theo quy định của pháp luật./.

Nguồn: Báo Nam Định

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:34743
Lượt truy cập: 176.453.744