Quảng Ninh: Hạn chế vi phạm trật tự an toàn giao thông trong thanh, thiếu niên cần những giải pháp đồng bộ

Thứ tư, 11/09/2013 00:00
Để giảm bớt tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong thanh, thiếu niên, thời gian qua các cấp Đoàn đã tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức cho đối tượng này khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những vi phạm TTATGT của thanh thiếu niên vẫn chưa được hạn chế. Vì vậy, các giải pháp triển khai của các cấp bộ đoàn cần có chiều sâu và tăng cường tính liên kết hơn nữa.
Để giảm bớt tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong thanh, thiếu niên, thời gian qua các cấp Đoàn đã tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức cho đối tượng này khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những vi phạm TTATGT của thanh thiếu niên vẫn chưa được hạn chế. Vì vậy, các giải pháp triển khai của các cấp bộ đoàn cần có chiều sâu và tăng cường tính liên kết hơn nữa.

Vi phạm vẫn ở mức cao

Vào dịp cuối tháng 4-2013 người dân Quảng Ninh chưa hết bàng hoàng, đau xót bởi vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên quốc lộ 18 đoạn qua phường Đại Yên (TP Hạ Long) làm 4 học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm thiệt mạng tại chỗ, thì ngay đầu tháng 5 trên đường Lê Thánh Tông, đoạn qua tổ 8, khu 1, phường Hòn Gai (TP Hạ Long) người dân lại một lần nữa chứng kiến vụ TNGT khiến 2 thanh niên thiệt mạng khi tuổi đời còn rất trẻ. Nguyên nhân đều là do đối tượng thanh thiếu niên điều khiển phương tiện vượt quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm và chở quá số người quy định. Đây chỉ là 2 trong số những vụ TNGT nghiêm trọng do lỗi người điều khiển phương tiện giao thông là thanh, thiếu niên chủ quan, thiếu ý thức khi tham gia giao thông gây ra. Và những vi phạm kiểu này hiện nay không phải là cá biệt.

Mặc dù đã ký cam kết không vi phạm TTATGT, nhưng khi ra ngoài khu vực cổng trường, tình trạng học sinh, thậm chí là cả các bậc phụ huynh vẫn có hành vi vi phạm ATGT với các lỗi: không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện; chở quá số người, đi không đúng phần đường quy định... Điều đáng nói là, trong khi hầu hết các đối tượng thanh, thiếu niên khi được hỏi đều hiểu biết khá rõ về các quy định của Luật Giao thông đường bộ nhưng hễ vắng bóng lực lượng chức năng làm nhiệm vụ xử lý vi phạm thì tình trạng vi phạm lại tái diễn. Dạo qua một số trường học trên địa bàn vào những ngày đầu năm học mới thấy mức độ vi phạm ATGT của học sinh diễn ra khá phổ biến. Giải thích nguyên nhân này, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: “Ở độ tuổi thanh, thiếu niên, các em dễ có tâm lý hiếu thắng, bốc đồng, a dua nên nếu không được uốn nắn kịp thời sẽ dễ dàng dẫn đến việc tiếp thu những trào lưu xấu. Vi phạm ATGT cũng là một trong những hành vi xấu đó. Trong các đợt tuyên truyền về TT ATGT, đối tượng thanh, thiếu niên được hướng đến để tuyên truyền nhiều nhất. Song, trên thực tế, chính nhóm đối tượng này lại là nhóm có nhiều hành vi vi phạm.

Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, trong 8 tháng đầu năm 2013 toàn tỉnh xảy ra 102 vụ TNGT thì trong đó có đến 37 vụ, chiếm 37,74% người gây tai nạn có độ tuổi từ 16 đến 27 tuổi. Từ thực trạng này cho thấy, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật về ATGT trong thanh, thiếu niên, các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể cần có sự phối kết hợp đồng bộ; tiếp tục quan tâm, đổi mới phương thức, hình thức tuyên truyền, giáo dục và quản lý hiệu quả hơn.

Tiếp tục những giải pháp đồng bộ và hiệu quả

Trong thời gian qua, việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về Luật Giao thông đường bộ đối với thanh, thiếu niên đã được nhiều tổ chức, đoàn thể triển khai. Tuy nhiên, cũng có những mô hình ATGT còn mang tính hình thức nên chưa phát huy hết hiệu quả như mong muốn. Để giảm thiểu những vi phạm ATGT trong thanh, thiếu niên thiết nghĩ cần có sự vào cuộc đồng bộ và tích cực hơn nữa từ nhiều phía. Cụ thể, đối với đoàn thanh niên, các cấp cơ sở đoàn phải đa dạng hoá hình thức tuyên truyền cho phù hợp với lứa tuổi thanh, thiếu niên, cần lựa chọn các mô hình phù hợp với đơn vị mình để bảo đảm thực hiện thành công, khi đăng ký đảm nhận phải thực hiện đúng, mang lại hiệu quả cao. Đoàn cấp trên cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá hoạt động của các mô hình ATGT tại các cơ sở đoàn. Đồng thời, cần có hình thức khen thưởng, biểu dương đối với những đơn vị tiêu biểu. Với những đơn vị thực hiện chưa tốt nên có biện pháp xử lý, nhắc nhở. Song song với đó, nên tăng cường sự phối hợp với ngành GTVT, ngành GD&ĐT để xây dựng các giải pháp mang tính đồng bộ nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông của đoàn viên thanh niên. Cần tổ chức việc kiểm tra giám sát thường xuyên, tại chỗ việc chấp hành pháp luật của học sinh tại các chi đoàn, lớp; tự phát hiện vi phạm của đoàn viên thanh niên để giáo dục kịp thời (không ỷ lại, trông chờ vào sự ra tay của lực lượng công an, bị động với những thông báo của lực lượng chức năng mới xử lý kỷ luật).

Trong xây dựng các mô hình bảo đảm ATGT, thanh niên cũng cần phải phát huy vai trò tình nguyện của mình cao hơn… Bên cạnh đó là sự giám sát, tăng cường của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ xử lý vi phạm phải được triển khai thường xuyên, bằng nhiều việc làm thiết thực như tổ chức các đợt cao điểm ra quân xử lý nghiêm hành vi vi phạm TTATGT trong thanh, thiếu niên, đặc biệt quan tâm đến việc học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy đến trường… Thông báo rộng rãi tên, địa chỉ, nơi học tập, làm việc về đơn vị quản lý, các địa phương cư trú đối với hành vi vi phạm TTATGT của thanh, thiếu niên, đồng thời có yêu cầu phản hồi khi thực hiện xử lý, giáo dục…; tăng cường, chủ động nắm tình hình từ khu dân cư để giáo dục, nhắc nhở, răn đe; phải cương quyết dẹp bỏ các điểm trông giữ xe trái phép, các hành vi tiếp tay cho học sinh vi phạm TTATGT như điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi…
Nguồn: Báo Quảng Ninh
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:143192
Lượt truy cập: 176.535.852