Hà Nội nỗ lực chống ùn tắc giao thông: Nhiều giải pháp đột phá

Thứ hai, 07/10/2013 00:00
Tại hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP của Chính phủ tổ chức vào tháng 9-2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Nội (cùng với TP Hồ Chí Minh) đã triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá, góp phần tích cực giảm ùn tắc giao thông (UTGT).
Tại hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP của Chính phủ tổ chức vào tháng 9-2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Nội (cùng với TP Hồ Chí Minh) đã triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá, góp phần tích cực giảm ùn tắc giao thông (UTGT). Tuy nhiên, vẫn còn một số nhóm giải pháp chưa được thực hiện quyết liệt nên hiệu quả chưa như mong muốn…

Đã giảm đáng kể ùn tắc

Thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP của Chính phủ về từng bước khắc phục UTGT trên địa bàn TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đã khẩn trương xây dựng kế hoạch và tập trung thực hiện 7 nhóm giải pháp. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, đáng chú ý là trong 5 năm qua, thành phố đã đầu tư, hoàn thành một loạt tuyến đường với tổng chiều dài 372km, nâng tỷ lệ đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị tăng từ 7% (năm 2008) lên 8,15% (năm 2013). Hà Nội đã triển khai xây dựng các cầu Đông Trù, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh, Phù Đổng 2… và cải tạo hàng loạt cầu yếu tại khu vực ngoại thành; đã và đang triển khai, đưa vào sử dụng nhiều cây cầu vượt kết cấu thép khu vực nội đô mới đây nhất là cầu vượt giao thông Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã (thông xe ngày 5-10-2013). Đặc biệt, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án trọng điểm như: Đường Vành đai 3 trên cao, quốc lộ 32, đường Lê Văn Lương kéo dài, đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa… đã góp phần làm giảm UTGT. Thành phố cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng một số bãi đỗ xe trên địa bàn các quận Long Biên, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai; huyện Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm và các bãi đỗ xe cao tầng.

Một giải pháp được Hà Nội triển khai thành công là đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Nếu năm 2008, thành phố mới có 76 tuyến thì đến nay đã có 86 tuyến, vận chuyển được 504,1 triệu lượt hành khách mỗi năm. Hằng năm, mạng lưới tuyến buýt luôn được điều chỉnh hợp lý, cải thiện điều kiện vận hành, mở rộng vùng phục vụ nhờ đó nâng tỷ lệ người dân đi xe buýt, góp phần giảm phương tiện giao thông cá nhân ra vào nội đô. Thành phố đã chỉ đạo thực hiện 266 tuyến phố không bố trí điểm trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô; bố trí lệch giờ làm việc, học tập… Bằng nhiều giải pháp, đến nay số điểm thường xuyên xảy ra UTGT đã giảm từ 124 điểm xuống còn 57 điểm. Tình hình tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương so với các giai đoạn trước…

Bài học kinh nghiệm được rút ra để thực hiện thành công là thành phố đã xác định từng thời điểm, từng vấn đề để xác định các biện pháp đột phá. Thời gian tới, thành phố sẽ huy động các nguồn lực nhằm tiếp tục tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển số kilômét đường, xây dựng đường Vành đai 1, 2, các tuyến đường hướng tâm… Từ nay đến năm 2015 khẩn trương hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến buýt nhanh và tuyến đường sắt đô thị; nghiên cứu tiếp một số đoạn đường sắt đô thị khác.

Giải quyết bằng được các điểm nghẽn

Đồng thuận với các giải pháp cũng như kết quả Hà Nội đã đạt được, song Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) cho rằng, trước mắt vẫn cần có các giải pháp cấp bách. Cụ thể cần hạn chế phương tiện trong giờ cao điểm ở một số tuyến quan trọng; tăng cường hướng dẫn giao thông; tiếp tục thiết lập, giải quyết nghiêm việc đậu đỗ xe trái phép; coi trọng tổ chức giao thông, cập nhật trên các tuyến, nhất là tuyến đường một chiều cho phù hợp hơn.

Để các giải pháp chống UTGT thực sự có kết quả bền vững, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP tiếp tục rút kinh nghiệm từ các giải pháp đã triển khai thành công; đồng thời rà soát tìm lý do vì sao các giải pháp đã đưa ra nhưng hiệu quả chưa cao, từ đó đề xuất và triển khai các giải pháp mang tính đột phá. Thành phố cũng cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác khắc phục ùn tắc, bảo đảm trật tự an toàn giao thông; kiên quyết, xử lý nghiêm các đơn vị, cán bộ, đảng viên, có dấu hiệu bảo kê, tiếp tay, dung túng cơ sở kinh doanh vận tải, lái xe, bến xe vi phạm quy định của Nhà nước về trật tự an toàn giao thông. Hà Nội cũng cần phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng, phê duyệt và triển khai quy hoạch về bến bãi, trạm dừng nghỉ, giao thông tĩnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành giao thông, tập trung quản lý hoạt động vận tải hành khách để xóa bỏ bến cóc, xe dù; xử lý nghiêm vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là các lỗi gây ra ùn tắc và tai nạn, các vi phạm hành lang an toàn giao thông, buôn bán lấn chiếm lòng đường vỉa hè, đậu đỗ xe không đúng nơi quy định. Ngoài ra, thành phố cũng cần chủ động đề xuất cơ chế đầu tư và xã hội hóa điểm trông giữ phương tiện, giao thông tĩnh…; đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT…

Nguồn: Báo Hà Nội mới
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:98167
Lượt truy cập: 176.523.033