Nam Định: Đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần giảm TNGT do sử dụng rượu, bia

Thứ ba, 12/03/2013 00:00
Ban ATGT tỉnh Nam Định tuyên truyền kiến thức pháp luật về ATGT theo Hợp phần Nâng cao nhận thức thuộc Dự án Tăng cường ATGT trên các tuyến quốc lộ phía Bắc Việt Nam.
Ban ATGT tỉnh Nam Định tuyên truyền kiến thức pháp luật về ATGT theo Hợp phần Nâng cao nhận thức thuộc Dự án Tăng cường ATGT trên các tuyến quốc lộ phía Bắc Việt Nam.

Thông thường, sau khi sử dụng rượu, bia nhiều mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, người lái xe không làm chủ được bản thân, hạn chế khả năng quan sát, không kiểm soát được tay lái, có thể dẫn đến chạy xe lạng lách, đánh võng, tốc độ cao, tránh vượt sai quy định, đi sai làn đường, giảm khả năng phán đoán, xử lý tình huống kém hơn so với lúc bình thường, dẫn đến nguy cơ gây tai nạn cho chính mình và cho người khác trên đường. Trong thực tế, xuất phát từ thói quen sử dụng rượu, bia trong hầu hết các bữa ăn, đặc biệt là trong các đám cưới, đám giỗ, liên hoan gia đình…, nhiều người tuy nhận biết được các nguy cơ, hậu quả nguy hiểm khi say rượu lái xe song tình trạng này vẫn xảy ra. Do vậy số vụ TNGT có liên quan đến việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi say rượu, bia luôn chiếm tỷ lệ cao so với các nguyên nhân khác. Để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này, ngày 24/8/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 88/NQ-CP về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT; trong đó biện pháp trọng tâm và ưu tiên là “Tăng cường phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu bia”. Tỉnh Nam Định cũng đã triển khai nhiều biện pháp từ tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nhằm giảm TNGT có nguyên nhân từ rượu, bia. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các biện pháp xử lý các vi phạm với lỗi liên quan đến rượu, bia, lực lượng CSGT gặp không ít khó khăn. Trước hết là thiếu thiết bị đo nồng độ cồn. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng vi phạm không hợp tác, thường tìm cách chống đối, nên việc xử lý vi phạm mất nhiều thời gian.

Nhận thấy vấn đề cốt lõi để hạn chế TNGT do rượu, bia vẫn là ý thức của người tham gia giao thông, tỉnh ta đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục người tham gia giao thông, phổ biến rộng rãi các quy định giới hạn nồng độ rượu, bia trong máu của người điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông. Các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, các đoàn thể quần chúng vận động người dân không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông; xây dựng “Văn hoá giao thông” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; đưa tiêu chí “Nói không với rượu bia khi điều khiển các phương tiện giao thông” vào một trong những tiêu chí xây dựng gia đình văn hoá, tổ chức, đơn vị văn hoá.

Gần đây, Dự án tăng cường ATGT trên các tuyến quốc lộ phía Bắc Việt Nam đã hỗ trợ tập trung cho công tác tuyên truyền trong năm 2012 tại địa bàn tỉnh ta. Dự án đã hỗ trợ tỉnh ta về công tác tăng cường bảo đảm ATGT với 4 hợp phần và 6 chủ đề; trong đó có riêng 1 chủ đề về rượu, bia và ATGT. Ban ATGT tỉnh đã tổ chức tuyên truyền tại hiện trường thành nhiều đợt, trong đó mỗi đợt tuyên truyền đều tập trung vào từng đối tượng cụ thể như: lái xe khách, lái xe tải, học sinh, sinh viên, công nhân; người dân trong khu dân cư, đoàn viên thanh niên… Nhờ đó, thông tin, kiến thức về vấn đề rượu, bia với ATGT do các điều phối viên của dự án hướng dẫn đã được người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là người dân ven các tuyến quốc lộ nắm vững. Những người được trực tiếp tham gia các buổi tuyên truyền còn trở thành tuyên truyền viên cho gia đình, bạn bè cùng biết và thực hiện. Hiệu quả của hoạt động tuyên truyền theo dự án được chứng minh qua kết quả tỉnh ta giảm về số vụ TNGT trong dịp Tết Nguyên đán 2013 so với cùng kỳ năm trước.

Thời gian tới, Ban ATGT tỉnh tiếp tục huy động sự chủ động, nâng cao chất lượng tuyên truyền của các ngành Y tế, GD và ĐT; tập trung tuyên truyền rộng rãi các quy định giới hạn nồng độ cồn cho phép đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông để mọi người dân hiểu rõ tính nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện giao thông trong khi nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép. Từ đó, chủ động, kiên quyết từ chối uống rượu, bia trước khi tham gia giao thông; chỉ điều khiển phương tiện khi đã đủ tỉnh táo và bảo đảm sức khỏe.

Nguồn: Báo Nam Định
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:17691
Lượt truy cập: 176.594.282