Ninh Bình: Tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy

Thứ năm, 13/06/2013 00:00
Tỉnh Ninh Bình có 18 tuyến giao thông thuỷ (đường sông) với chiều dài gần 300 km, nhiều hồ chứa nước lớn nhỏ cùng với các tuyến giao thông thuỷ phục vụ cho khách du lịch.
Tỉnh Ninh Bình có 18 tuyến giao thông thuỷ (đường sông) với chiều dài gần 300 km, nhiều hồ chứa nước lớn nhỏ cùng với các tuyến giao thông thuỷ phục vụ cho khách du lịch.

Hàng ngày, trên hệ thống đường thuỷ nội địa có nhiều thuyền, bè tham gia giao thông. Trong những năm qua, tuy chưa có vụ tai nạn giao thông thuỷ nghiêm trọng nào xảy ra nhưng vấn đề giao thông đường thuỷ vẫn còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Tình hình vi phạm TTATGT đường thuỷ nội địa còn nhiều diễn biến phức tạp. Tình trạng phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, phương tiện chở khách, bến khách ngang sông không đủ điều kiện vẫn ngang nhiên hoạt động.

Phương tiện giao thông thuỷ neo đậu, đi lại tuỳ tiện vẫn diễn ra tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Hàng trăm bến đò chở khách ngang sông, việc mặc áo phao cho người đi đò một số nơi chưa được thực hiện nghiêm túc. Nhiều đò không đảm bảo an toàn. Có bến đò, đường dẫn lên, xuống không đủ điều kiện theo quy định.

Trên các sông còn nhiều vi phạm như: việc đăng đó, vó, bè gây ách tắc giao thông. Còn nhiều phương tiện có tải trọng nhỏ thực hiện công việc bốc xếp tại các bến tạm, hoạt động chui lủi, chưa làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm.

Nhiều bến đò chưa có bảng niêm yết giá vé, bảng nội quy đúng quy định, thiết bị neo buộc không chắc chắn, một số người tham gia chở đò không đảm bảo sức khoẻ, nhiều đò chở khách quá tải, chủ đò chưa chấp hành các quy định về điều kiện an toàn của phương tiện và người lái. Trên các tuyến hồ và tại các điểm du lịch bằng thuyền còn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước…

Trước thực trạng trên, từ năm 2011, thực hiện sự chỉ đạo của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh đã chỉ đạo các địa phương xây dựng và thực hiện phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước”.
Qua 3 năm triển khai thực hiện, các cấp, các ngành đã tích cực xây dựng phong trào, xây dựng điểm các mô hình văn hoá giao thông đường thuỷ tại các khu dân cư ven sông, ven biển, bến cảng…

Công an tỉnh phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh duy trì hoạt động của các tổ tự quản tham gia vận động quần chúng giữ gìn trật tự an toàn xã hội và TTATGT khu vực Cảng Ninh Bình với chủ đề “Bến cảng bình yên” và “Cụm giáp ranh an toàn về an ninh trật tự” giữa 3 phường ven sông Đáy của thành phố Ninh Bình và các xã của huyện ý Yên (Nam Định); xây dựng cụm giáp ranh an toàn về an ninh trật tự giữa 5 xã ven sông Đáy của huyện Yên Khánh với 5 xã của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), nhằm vận động quần chúng nhân dân tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa trên tuyến sông Đáy.

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” được các sở, ban, ngành trong toàn tỉnh quan tâm đúng mức.

Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các ngành có liên quan triển khai tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật an toàn giao thông đường thuỷ nội địa trong toàn tỉnh; thường xuyên tổ chức in, sao tài liệu, tờ rơi và các tài liệu tuyên truyền về an toàn giao thông đường thuỷ để cấp, phát cho nhân dân sống ở ven sông và các đối tượng thường xuyên tham gia giao thông thuỷ.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan ở Trung ương và địa phương tổ chức lễ phát động “Hãy mặc áo phao khi đi đò”; phát áo phao, dụng cụ nổi cho toàn bộ các bến đò ngang sông và các bến đò du lịch trên địa bàn tỉnh. Sở Giao thông Vận tải còn tổ chức cho 5 tổ chức và 75 cá nhân là các chủ bến đò ngang sông ký cam kết không vi phạm các quy định về TTATGT đường thuỷ nội địa.

Năm 2012, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức lễ phát động phòng, chống đuối nước và cấp hơn 400 cặp áo phao cho học sinh của Trường Tiểu học xã Gia Lạc (Gia Viễn); tổ chức hội nghị chuyên đề về văn hoá giao thông đường thuỷ nhằm tuyên truyền cho các đối tượng là chủ bến đò, người lái phương tiện và dân cư các xóm, làng ven sông.

Để thực hiện tốt phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước”, trong các năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thuỷ nội địa.

Trong năm 2012 có nhiều bến đò chở khách ngang sông đã bị đình chỉ hoạt động, nhiều chủ đò bị cảnh sát giao thông đường thuỷ xử phạt vì vi phạm chở quá số người quy định, đò không đảm bảo an toàn. Riêng 5 tháng đầu năm nay, Cảnh sát giao thông thuỷ đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra 18 lượt các bến đò chở khách, phát hiện và xử lý 437 trường hợp vi phạm, phạt tiền 35.340.000 đồng. Ban đăng kiểm thuỷ thực hiện giám sát kiểm tra kỹ thuật cấp phép lưu hành 12 phương tiện thuỷ nội địa.

Phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt từ khâu tuyên truyền đến tuần tra, kiểm soát, do vậy tai nạn giao thông được kiềm chế. Công tác cải cách thủ tục hành chính, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đăng ký phương tiện thuỷ nội địa; đào tạo cấp bằng chứng chỉ chuyên môn được triển khai thực hiện nghiêm túc…

Những kết quả trên đã góp phần đảm bảo TTATGT thuỷ trên địa bàn tỉnh; phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện phong trào “Văn hoá giao thông với sự bình yên sông nước”, các biện pháp bảo đảm ATGT của tỉnh hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân chứ không phải vì mục tiêu tăng số vụ phạt, số tiền xử phạt các vi phạm về TTATGT đường thuỷ.

Tuy nhiên, trong điều kiện một bộ phận người dân, các chủ phương tiện chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về TTATGT đường thuỷ nội địa, do vậy tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác xử lý và áp dụng mức phạt cao nhất đối với các vi phạm, nhằm tăng tính răn đe.

Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đến với mọi người dân sinh sống ở vùng ven sông, nước. Đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về TTATGT đường thuỷ nội địa. Tăng cường phối hợp trong đào tạo, kiểm tra, kiểm soát các chủ phương tiện vận tải hành khách, hàng hoá bằng đường thuỷ đảm bảo các tiêu chí an toàn trong giao thông thuỷ nội địa.

Các cấp chính quyền, ngành chức năng tập trung chỉ đạo, hướng dẫn đội ngũ cán bộ cấp xã, phường thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý hoạt động của các bến đò chở khách ngang sông.

Cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tham mưu để UBND tỉnh ban hành cơ chế quản lý, bảo đảm TTATGT đường thuỷ nội địa trên địa bàn, góp phần hạn chế, giảm thiểu TNGT đường thuỷ nội địa, giữ vững sự bình yên của sông nước.

Nguồn: Báo Ninh Bình
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:86762
Lượt truy cập: 176.569.317