An Giang: Cần giải quyết tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông

Thứ tư, 24/10/2012 00:00
Thời gian gần đây, trên địa bàn TP. Long Xuyên (An Giang ) xuất hiện tình trạng nhiều học sinh phổ thông chạy xe môtô phân khối lớn đến trường, hầu hết là những chiếc xe tay ga đắt tiền. Mặc dù, lực lượng chức năng đã vào cuộc từ lâu nhưng xem ra hiệu quả mang lại chưa cao.
Thời gian gần đây, trên địa bàn TP. Long Xuyên (An Giang ) xuất hiện tình trạng nhiều học sinh phổ thông chạy xe môtô phân khối lớn đến trường, hầu hết là những chiếc xe tay ga đắt tiền. Mặc dù, lực lượng chức năng đã vào cuộc từ lâu nhưng xem ra hiệu quả mang lại chưa cao.

Sẽ không quá khó để bắt gặp những hình ảnh học sinh đến trường bằng xe phân khối lớn vào buổi sáng sớm và giờ tan trường trên đường phố Long Xuyên. Dù biết ở tuổi của mình không được sử dụng xe môtô trên 50 phân khối để tham gia giao thông nhưng các em vẫn vô tư lái xe vi vu đến trường. Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều nhất vẫn là các em học sinh mặc đồng phục có gắn phù hiệu của Trường phổ thông I. Long Xuyên. Loại xe mà các em thường sử dụng là xe tay ga đủ loại như Attila, Air Black, Click… thậm chí có cả xe SH hàng hiệu đắt tiền để thể hiện đẳng cấp của mình trước bạn bè. Điều đáng nói, các em học sinh trường này không hề tỏ ra rụt rè, lo sợ khi vi phạm Luật Giao thông, không cần phải giấu đi bản tên, phù hiệu hay tìm các bãi giữ xe tư nhân ở ngoài để gửi mà mang xe vào thẳng điểm giữ xe của trường.

Nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng chung quy lại vẫn là do ý thức của các em và gia đình chưa cao trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông; sự quan tâm, quản lý giáo dục con em còn lỏng lẻo, thiếu tính răn đe từ phía phụ huynh và nhà trường. Gia đình không thể phủ nhận được trách nhiệm của mình khi giao xe phân khối lớn cho con đi học dù biết là vi phạm, còn nhà trường thì nói sẽ đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng thực tế đã thực hiện đến đâu khi làm ngơ việc các em mang xe phân khối lớn vào gửi tại bãi giữ xe của trường. Khi chúng tôi đề cập đến những vấn đề trên thì đại diện Trường phổ thông I. Long Xuyên đã từ chối trả lời, chỉ cho biết nếu lực lượng chức năng tiến hành xử phạt, chụp được hình ảnh học sinh của trường vi phạm Luật Giao thông thì nhà trường sẽ xử lý, mời phụ huynh đến làm cam kết, hạ hạnh kiểm học sinh trong năm.

Theo Nghị định 71 của Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34 năm 2010 về lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, có hiệu lực từ ngày 10/11/2012 tới đây quy định, nếu người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe môtô có dung tích xi-lanh từ 50 phân khối trở lên sẽ bị phạt tiền từ 400 - 600 ngàn đồng. Mặc dù, mức xử phạt tăng lên rất nhiều so với trước, nhưng có hạn chế được tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông hay không vẫn còn tùy thuộc rất lớn vào sự hợp tác tích cực từ phía gia đình và nhà trường cùng với lực lượng chức năng.

Vừa qua, theo chân các cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát Giao thông Công an TP. Long Xuyên chỉ trong vòng 30 phút sau giờ tan học đã có trên 10 trường hợp vi phạm là học sinh phổ thông. Riêng các em học sinh Trường phổ thông I. Long Xuyên thì tập trung trong trường không dám ra về vì sợ bị lực lượng chức năng xử phạt và điện thoại cho gia đình đến đón. Đại úy Lê Thanh Sơn, Đội phó Đội CSGT TP. Long Xuyên phân tích: Nguyên nhân dẫn đến các vụ đua xe, lạng lách, đánh võng và phần lớn các vụ tai nạn giao thông một phần xuất phát từ thực trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông, cha mẹ mặc nhiên để con em không đủ tuổi chạy xe phân khối lớn, gây va quẹt, tai nạn. Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới ngoài việc thường xuyên tuần tra, kiểm soát cần kiên quyết xử lý và phối hợp với các trường học trên địa bàn tăng cường tuyên truyền phổ biến nâng cao ý thức của học sinh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là từ phía gia đình và nhà trường cần siết chặt việc quản lý con em, thường xuyên quan tâm, giáo dục ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông.

Theo báo An Giang
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:142672
Lượt truy cập: 176.672.065