Hưng Yên: Văn Lâm, xe công nông, xe tự chế vẫn ngang nhiên hoạt động

Thứ tư, 01/06/2011 00:00

Theo đánh giá Văn Lâm đang là “điểm nóng” bởi các loại xe công nông, xe tự chế, xe ba gác hoạt động. Là địa phương có nhiều làng nghề như tái chế nhựa Minh Khai và nhiều điểm kinh doanh vật liệu xây dựng ở xã Đình Dù nên việc vận chuyển hầu hết đều được người dân thực hiện

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29.6.2007 về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, trong đó nêu rõ: Từ ngày 1-1-2008, đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế... Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý, sung công quỹ. Tuy nhiên, đến nay, đã hơn 3 năm Nghị quyết 32 của Chính phủ có hiệu lực, trên địa bàn huyện Văn Lâm, xe công nông, xe tự chế vẫn mặc sức tung hoành.
Theo đánh giá Văn Lâm đang là “điểm nóng” bởi các loại xe công nông, xe tự chế, xe ba gác hoạt động. Là địa phương có nhiều làng nghề như tái chế nhựa Minh Khai và nhiều điểm kinh doanh vật liệu xây dựng ở xã Đình Dù nên việc vận chuyển hầu hết đều được người dân thực hiện bằng công nông và xe tự chế. Theo thống kê sơ bộ, riêng xã Đình Dù có tới gần 40 chiếc công nông tự chế đang hoạt động và hàng ngày vẫn lưu thông khắp các ngõ xóm.
Khoảng 11 giờ trưa một ngày tháng 5, chúng tôi có mặt tại thôn Đình Dù, xã Đình Dù, những chiếc công nông vẫn “thản nhiên” rú ga ầm ĩ. Một chủ xe công nông cho hay: “Bất kể thời gian, có khách gọi chở vật liệu là chúng em lên đường. Nhiều khi đang dở bữa, nhưng khách gọi gấp quá đành buông bát đũa chạy để giữ khách”.Được biết, giá cước vận chuyển vật liệu của xe công nông từ bãi đến chân công trình dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/chuyến. Nhiều trường hợp chủ xe gây tai nạn hoặc chở hàng cồng kềnh, không có bạt che bụi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và việc lưu thông trên đường. “Biết chạy ẩu thì dễ xảy ra tai nạn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhưng vì miếng cơm manh áo nên đành liều thôi anh ạ”, anh Hạnh, một chủ xe ở xã Minh Hải than thở.
 
 
Xư tự chế vẫn ngang nhiên hoành hành trên địa bàn huyện Văn Lâm
(ảnh chụp tại xã Đình Dù)
 
Dạo qua tỉnh lộ 19, chúng tôi thấy những “hung thần xa lộ” vẫn hàng ngày cày ải và đang trở thành nỗi khiếp sợ của không ít người dân. “Họ chạy ẩu quá, thường xuyên gây tai nạn. Nhà nước đã có quy định cấm xe công nông lưu hành mà có thấy giảm đi chút nào đâu”, bà Vũ Thị Thoa, người dân xã Đại Đồng cho biết.
Ông Trần Sỹ Toán, trưởng Công an xã Đình Dù cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành vận động, mời những hộ kinh doanh vật liệu xây dựng ký vào bản cam kết không sử dụng công nông, xe tự chế để chuyên chở vật liệu xây dựng và cũng đã thống kê số lượng xe công nông, gửi Công an huyện xử lý. Việc truy quét, xử lý xe công nông đang hoạt động trên địa bàn không hề đơn giản, nhiều lần chính quyền đã ra quân truy quét nhưng không xử lý được vì họ rủ nhau trốn hết”
Khi hỏi về Quyết định số 548/QĐ – TTg ngày 29.4.2009của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ thay thế xe công nông, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh bị đình chỉ tham gia giao thông đã có hiệu lực thực hiện, một số chủ xe công nông cho biết, cũng đã nghe và được xã gọi lên phổ biến nhưng thay công nông, xe tự chế thì lấy gì mà sống (!?).  “Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư vài trăm triệu đồng để mua xe tải cỡ nhỏ, nhưng sau một thời gian phải bán đi vì không làm ăn được, bởi hầu hết các đơn hàng chúng tôi nhận làm đều là khu đông dân cư, đường sá chật hẹp, xe tải không thể vào được các ngõ ngách”, anh Minh, chủ một xe công nông cho hay.Theo các chủ xe, chi phí mua một chiếc công nông chỉ từ 10 - 20 triệu đồng, lại nhanh hoàn vốn, còn đâu tư xe tải tốn kém hơn rất nhiều, việc học lái xe thì “Cứ mua xe về, mấy anh em chỉ cho nhau, chạy vài lần là lái được chứ không phức tạp như xe tải”, anh Minh cho chúng tôi biết thêm.
Đại úy Đinh Văn Dũng, Đội CSGT Công an huyện Văn Lâm cho biết, trong quá trình xử lý các xe ba bánh vi phạm Luật Giao thông, lực lượng chức năng thường xuyên "vấp" phải không ít khó khăn, như, khi lực lượng chức năng phát tín hiệu dừng xe để kiểm tra, nhưng không ít lái xe tự chế vẫn ngang nhiên điều khiển xe cho xe chạy nhanh, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Không những vậy, khi lực lượng chức năng yêu cầu các lái xe xuất trình giấy tờ, thì các lái xe không chịu hợp tác. Qua kiểm tra, đa số các xe ba bánh bị tạm giữ, lái xe đều không có giấy phép lái xe, hoặc không phải thương, bệnh binh.
Được biết, từ năm 2009, thực hiện chính sách hỗ trợ phương tiện bị đình chỉ tham gia giao thông, huyện Văn Lâm đã giải ngân kinh phí hỗ trợ cho 400 chủ xe trên toàn địa bàn huyện với số tiền gần 2 tỷ đồng. Như vậy, kinh phí đã tới tay chủ các phương tiện nhưng nguyên nhân nào xe công nông, xe tự chế vẫn ngang nhiên lưu thông trên đường?
Công nông, xe tự chế là loại xe được các cơ sở cơ khí nhỏ tự lắp ráp, xe không theo quy trình sản xuất và vận hành tiêu chuẩn chất lượng nào cho nên rất nguy hiểm khi lưu thông trên đường. Do đó, việc cấm xe công nông, xe tự chế là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ nhằm kiềm chế và giảm thiểu TNGT. Để thực hiện nghiêm chủ trương này, đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng huyện Văn Lâm có biện pháp kiên quyết thực hiện việc đình chỉ lưu hành xe công nông, xe tự chế ba, bốn bánh theo quy định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
                                                                                                                 Trungna(theo baohungyen)
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:238479
Lượt truy cập: 176.738.985