Thanh Hoá: Tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng phương tiện đường thủy nội địa

Chủ nhật, 19/06/2011 00:00
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.519 phương tiện đường thủy nội địa (bao gồm các loại phương tiện vận tải, chở khách ngang sông, gia dụng và phục vụ, kiểm tra chuyên ngành). Đa số các phương tiện có tải trọng dưới 200 tấn, hoạt động mang tính chất cá thể, nhỏ lẻ, chưa đăng ký, đăng kiểm..., và chưa được các cấp, các ngành, các đơn vị có liên quan tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.519 phương tiện đường thủy nội địa (bao gồm các loại phương tiện vận tải, chở khách ngang sông, gia dụng và phục vụ, kiểm tra chuyên ngành). Đa số các phương tiện có tải trọng dưới 200 tấn, hoạt động mang tính chất cá thể, nhỏ lẻ, chưa đăng ký, đăng kiểm..., và chưa được các cấp, các ngành, các đơn vị có liên quan tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng.

Thanh Hóa có 30 tuyến sông, kênh với tổng chiều dài 1.889 km, trong đó 21 tuyến sông, kênh có thể đưa vào khai thác phục vụ phát triển vận tải, du lịch, với độ dài 1.170 km. Hiện tại, các cơ quan chức năng mới công bố đưa vào quản lý, khai thác 17 tuyến sông, kênh với chiều dài 602, 5 km. Các tuyến sông, kênh trên địa bàn tỉnh chủ yếu nhỏ, hẹp, độ dốc tự nhiên cao và hàng năm vào mùa mưa bão, lượng nước đổ vào các sông lớn, kéo theo đất, cát, đá làm bồi lắng lòng sông. Một số tuyến sông, kênh có nhiều phương tiện vận tải hoạt động thì chưa thực sự được quan tâm đầu tư nạo vét nhằm nâng cao chất lượng vận tải. Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.519 phương tiện vận tải, trong đó, phương tiện vận tải 857 chiếc (số lượng đăng ký, đăng kiểm 362 chiếc, đạt 42%); phương tiện chở khách ngang sông 88 chiếc và đã đăng ký, đăng kiểm, phương tiện gia dụng và phục vụ 525 chiếc (133 chiếc thuộc diện không phải đăng ký, còn lại 392 chiếc chưa đăng ký) - đây là loại phương tiện cấp huyện đăng ký, quản lý theo phân cấp của UBND tỉnh; phương tiện kiểm tra chuyên ngành 49 chiếc đã đăng ký, đăng kiểm. Những số liệu trên đây cho thấy, đường thủy nội địa và các loại phương tiện đường thủy nội địa ở tỉnh ta có nhiều tiềm năng, nhưng hàng hóa do các phương tiện vận chuyển khối lượng còn thấp; tỉnh ta chưa có cảng thủy nội địa, mà hoạt động bốc xếp hàng hóa chủ yếu ở các bến thủy nội địa mang tính thủ công, nhỏ lẻ; chưa có phương tiện vận chuyển khách dọc tuyến, chỉ có vận chuyển khách ngang sông.

Toàn tỉnh có 119 bến hoạt động chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, những bến ở các huyện miền núi vào mùa mưa đi lại khó khăn, chỉ có một số ít bến được Nhà nước đầu tư xây dựng nên hạ tầng bến bảo đảm an toàn và thuận lợi cho khách; còn 22 bến khách ngang sông ở các huyện Cẩm Thủy, Tĩnh Gia, Như Thanh, Bá Thước, Thường Xuân và Quan Hóa chưa được Nhà nước quan tâm đầu tư nên việc đi lại của nhân dân và học sinh gặp nhiều khó khăn nhất là vào mùa mưa bão. Đến nay, mới có 49 bến khách ngang sông đủ tiêu chuẩn an toàn theo quy định được cấp phép, chiếm tỷ lệ 41%. Các phương tiện vận tải khách ngang sông thuộc diện tỉnh quản lý đã được cấp áo phao cứu sinh từ năm 2007, trung bình mỗi phương tiện được cấp 12 chiếc, nhưng việc sử dụng áo phao còn mang tính hình thức và không hiệu quả.
Để góp phần nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn phương tiện đường thủy nội địa, thời gian qua, Sở Giao thông - Vận tải đã phối hợp với các cấp, các ngành, các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa đến người tham gia giao thông, nhất là nhân dân sống dọc hai bên các tuyến sông, kênh để mọi người hiểu, tự giác chấp hành. Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, kiểm soát nhằm bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa. Đồng thời, hướng dẫn cho các chủ bến, chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện thủy nội địa về thủ tục, quy định cấp phép mở bến; đăng ký, đăng kiểm phương tiện đường thủy; học cấp chứng chỉ chuyên môn và các quy định của pháp lật về ATGT đường thủy nội địa.
Bên cạnh đó, liên ngành Giao thông - Vận tải, Công an tỉnh, Văn phòng Ban ATGT tỉnh, tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành, xử lý và chỉ đạo các đơn vị chức năng xử lý nghiêm những người vi phạm, đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện vận tải đường thủy nội địa không đăng ký, không đăng kiểm an toàn kỹ thuật theo quy định của pháp luật; đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở đóng mới, hoán cải phương tiện thủy nội địa trái phép. Ngoài ra, Sở Giao thông - Vận tải chỉ đạo Công ty cổ phần Quản lý đường thủy nội địa và Xây dựng Giao thông Thanh Hóa, tăng cường công tác bảo trì, bổ sung biển báo hiệu kịp thời trên các tuyến đường thủy nội địa được giao quản lý, ở những vị trí có nguy cơ gây mất an toàn cao; cải tạo và xử lý các “điểm đen” trên các tuyến giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Bổ sung các công trình phụ trợ phòng ngừa và hạn chế thiệt hại do tai nạn giao thông tại các điểm cạn, đoạn cạn, đá ngầm, ngã ba, những điểm thường xuyên gây ra tai nạn giao thông cho các phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa.
Tuy đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn nguy cơ mất an toàn đường thủy, nhưng trong những năm qua, tỉnh ta vẫn để xảy ra những vụ tai nạn giao thông đường thủy đáng tiếc. Trong đó, năm 2008, xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa, làm chết 4 người; năm 2010, xảy ra 1 vụ, làm chết 1 người.
Để bảo đảm an toàn, nâng cao hiệu quả vận tải giao thông đường thủy nội địa, các ngành, các cấp, các đơn vị có liên quan cần tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng phương tiện thủy nội địa. Đổi mới công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa phù hợp với cộng đồng người dân làm nghề sông nước. Tăng cường công tác điều tiết nhằm bảo đảm ATGT đường thủy tại Thác đền Hàn, thường trực phòng, chống va trôi tại cầu Đò Lèn và khu vực cầu Hàm Rồng. Kiện toàn, tăng cường cơ sở đào tạo máy trưởng, thuyền viên và bắt buộc những người điều khiển phương tiện thủy nội địa phải đi học các chứng chỉ chuyên môn và các quy định của pháp luật về ATGT đường thủy. Các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa, đặc biệt là phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, thuyền viên và người điều khiển phương tiện chưa có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn.
Trungna (theo baothanhhoa)
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:207355
Lượt truy cập: 176.186.288