Hoạt động tiêu chuẩn hoá trong xây dựng giao thông vừa qua đã thực sự trở thành công cụ đắc lực của công tác quản lý kỹ thuật, chất lượng đối với các bước thực hiện các dự án. Tuy vậy, từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, hoạt động này cũng đã bộc lộ những vấn đề cần được xem xét để có những biện pháp phù hợp với cơ chế thị trường, với quá trình hội nhập.
Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây hầu như không tồn tại khái niệm cạnh tranh nên mức chất lượng của hàng hóa, trong đó công trình xây dựng là một loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt, nói chung là không đa dạng và nhiều khi chỉ là duy nhất. Hệ thống tiêu chuẩn vì vậy không còn mang tính chất pháp qui kỹ thuật đơn thuần mà trở thành văn bản mang tính chất điều kiện thỏa thuận giữa các bên giao dịch nhằm thống nhất yêu cầu kĩ thuật và chất lượng tương ứng. Điều kiện này cần được xác lập, khẳng định ngay trước khi giao dịch.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình, điều kiện này phải được khẳng định ngay trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư để làm cơ sở quản lý chất lượng, quản lý giá thành đối với tất cả các khâu khảo sát, tính toán, thiết kế, triển khai thi công xây dựng, giám sát chất lượng, nghiệm thu bàn giao và bảo trì, khai thác công trình... Như vậy, công tác tiêu chuẩn hóa trong nền kinh tế thị trường và hội nhập hiện nay đối với xây dựng công trình giao thông có nhiều điểm khác biệt so với trước đây. Bài viết này xin được đóng góp một số ý kiến xung quanh vấn đề này.
Trước đây, trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, tiêu chuẩn được quan niệm như là một loại văn bản pháp chế kỹ thuật. Nghị định 141/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ngày 24/8/1982 định nghĩa: “Tiêu chuẩn là một văn bản pháp chế kỹ thuật trong đó đề ra các qui định thống nhất và hợp lý được xây dựng theo một thủ tục nhất định, trình bày theo một thể thức nhất định do một cơ quan có thẩm quyền ban hành để bắt buộc áp dụng hoặc khuyến khích áp dụng cho các bên liên quan.
Qui phạm, qui trình là một dạng tiêu chuẩn”. Định nghĩa này cho thấy tiêu chuẩn là một văn bản pháp chế kỹ thuật. Trên thực tế trước năm 1990 có tới 95% các tiêu chuẩn được ban hành ở Việt Nam nói chung và tiêu chuẩn xây dựng, kể cả xây dựng giao thông nói riêng là bắt buộc áp dụng. Ai làm khác với tiêu chuẩn đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành thì phải làm đơn xin phép áp dụng tiêu chuẩn ngoại lệ.
Nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế hiện nay đối với nước ta đã làm thay đổi quan niệm về tiêu chuẩn. Việt Nam đã chấp nhận định nghĩa của tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) như sau: “Tiêu chuẩn là một tài liệu kỹ thuật, được thiết lập bằng cách thoả thuận trong đó nêu ra các quy tắc, hướng dẫn hoặc là các đặc tính của các hoạt động hay kết quả của các hoạt động, do một cơ quan được công nhận phê duyệt, để sử dụng lặp lại nhằm đạt được mức độ tối ưu trong một hoàn cảnh nhất định”.
Do vậy, quan niệm về tiêu chuẩn trong xây dựng hiện nay cũng đã xem xét đến yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và được xây dựng, ban hành theo hướng mở. Các tiêu chuẩn nói chung là khuyến khích áp dụng để tăng khả năng lựa chọn cho chủ đầu tư trong việc quyết định mức chất lượng, giá thành phù hợp với yêu cầu sử dụng và các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và sự sáng tạo của người kỹ sư. Luật Xây dựng được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003 định nghĩa: "Tiêu chuẩn xây dựng là các quy định về chuẩn mực kỹ thuật, định mức kinh tế-kỹ thuật, trình tự thực hiện các công việc kỹ thuật, các chỉ tiêu, các chỉ số kỹ thuật và các chỉ số tự nhiên được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành hoặc công nhận để áp dụng trong hoạt động xây dựng.
Tiêu chuẩn xây dựng gồm tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng và tiêu chuẩn khuyến khích áp dụng". Không những thế, để đáp ứng yêu cầu hội nhập, quy chế áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài trong hoạt động xây dựng ở Việt Nam do Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Quyết định số 09/2005/QĐ-BXD ngày 7/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã cho phép áp dụng các tiêu chuẩn xây dựng cấp quốc gia của các nước trên thế giới, của các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, tổ chức tiêu chuẩn khu vực trong hoạt động xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật và phải sử dụng các số liệu đầu vào có liên quan đến điều kiện đặc thù Việt Nam cũng như phải đáp ứng yêu cầu và quy định của Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam. Như vậy, các ý kiến cho rằng hệ thống tiêu chuẩn trong xây dựng giao thông của chúng ta hiện nay còn thiếu, không nhất quán, hoặc lạc hậu, không tiên tiến, hiện đại... là không có cơ sở.
Ngược lại, hệ thống tiêu chuẩn đó hiện nay rất phong phú, đa dạng vì chúng không chỉ bao gồm các tiêu chuẩn trong nước đã được biên soạn, ban hành, công bố mà còn bao gồm vô số các tiêu chuẩn cấp quốc gia của các nước khác và các tiêu chuẩn của các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế. Vấn đề là các nhà tư vấn, các chủ đầu tư phải lựa chọn cho được những tiêu chuẩn để áp dụng cho từng dự án cụ thể sao cho đạt được hiệu quả kinh tế - kỹ thuật.
Không thể đưa vào hoặc thay đổi những qui định của tiêu chuẩn một cách tùy tiện để phù hợp với tình hình thực tế mà không có cơ sở khoa học như một số người vẫn yêu cầu hoặc đã làm theo kiểu duy ý chí đã từng xảy ra trong một vài dự án vừa qua. Cũng xin được nói thêm là hệ thống tiêu chuẩn trong xây dựng của chúng ta hiện nay, cũng giống như rất nhiều các nước khác, trừ một số rất ít các nước phát triển, đều được biên soạn chủ yếu dựa vào các tiêu chuẩn của nước ngoài.
Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 ban hành năm 2006 cũng xác định tiêu chuẩn là một dạng văn bản được công bố (chứ không phải là quyết định ban hành như trước đây) để tự nguyện áp dụng và định nghĩa: “Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này. Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng”. Luật này qui định chỉ có Quy chuẩn kỹ thuật mới bắt buộc áp dụng: “Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng”.
Như vậy có thể thấy rằng, theo các qui định của các Luật hiện hành thì trong hoạt động xây dựng, chỉ có Qui chuẩn xây dựng (hoặc theo Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thì chỉ có Quy chuẩn kỹ thuật) và các Tiêu chuẩn đã được các cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc ban hành yêu cầu bắt buộc áp dụng mới là các văn bản pháp chế kỹ thuật, tức là các văn bản quy phạm pháp luật phải tuân thủ. Hầu hết các tiêu chuẩn còn lại bao gồm hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam TCVN, tiêu chuẩn xây dựng TCXD hay TCXDVN, các tiêu chuẩn ngành 22TCN của Bộ Giao thông vận tải ban hành, 20TCN của Bộ Xây dựng ban hành, 14TCN của Bộ Nông Nghiệp và PTNT ban hành... và các tiêu chuẩn cấp quốc gia của nước ngoài, các tiêu chuẩn của các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế như ISO, EUROCODE, AASHTO, ASTM... đều là các tài liệu, văn bản kỹ thuật mang tính chất tự nguyện và khuyến khích áp dụng. Trước khi được lựa chọn để được quyết định áp dụng cho dự án cụ thể nào đó, các tiêu chuẩn này đều “bình đẳng” với nhau.
Các quan niệm cho rằng tiêu chuẩn Việt Nam “cao hơn” tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế “cao hơn” tiêu chuẩn trong nước chỉ mang tính chất tương đối về mức chất lượng, không mang tính chất “cao hơn”, “đúng hơn” ở mức độ điều chỉnh của một văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, sau khi đã được lựa chọn và được cấp có thẩm quyền quyết định sử dụng cho một dự án cụ thể nào đó thì các tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng được lựa chọn này trở thành văn bản quy phạm pháp luật của dự án đó.
Để thực hiện qui định của Điều 6, khoản 2 của Luật Xây dựng: “Hoạt động xây dựng phải tuân thủ các quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng” thì phải làm rõ các nội dung liên quan đến các khái niệm này. Theo định nghĩa của Luật Xây dựng ở khoản 18 điều 3 thì “Qui chuẩn xây dựng là các qui định bắt buộc áp dụng trong hoạt động xây dựng do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về xây dựng ban hành”. Đối với hoạt động xây dựng giao thông tuy đến nay phần qui định chi tiết của qui chuẩn xây dựng giao thông chưa được ban hành nhưng một số yêu cầu tối thiểu mang tính chung nhất bắt buộc tuân thủ đã được xác định trong Chỉ thị số 556/1999/CT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT. Đó là các số liệu về khí hậu xây dựng, địa chất, thủy văn, phân vùng động đất, phòng chống cháy nổ, phòng chống sét, bảo vệ môi trường, an toàn công trình dưới tác động của khí hậu địa phương, an toàn lao động.
Còn việc tuân thủ các tiêu chuẩn xây dựng theo qui định của Luật Xây dựng sẽ được thực hiện như thế nào? Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng quy định các bước khảo sát xây dựng, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công cũng như ở các bước nghiệm thu kết quả khảo sát xây dựng, nghiệm thu hồ sơ thiết kế xây dựng công trình, quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình, giám sát chất lượng thi công xây dựng công trình, nghiệm thu công trình... đều phải căn cứ và tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng được áp dụng.
Còn Nghị định số 179/2004/NĐ-CP của Chính phủ qui định chi tiết về việc thi hành Pháp lệnh chất lượng hàng hoá và các qui định khác của pháp luật có liên quan đến quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá quy định “Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành Xây dựng và ban hành danh mục sản phẩm, hàng hoá phải áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam trong từng thời kỳ” và “Bộ quản lý chuyên ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ Xây dựng và ban hành danh mục sản phẩm, hàng hoá phải áp dụng tiêu chuẩn ngành hoặc tiêu chuẩn khác theo nhu cầu quản lý Nhà nước về chất lượng đối với sản phẩm, hàng hoá chưa nằm trong danh mục quy định tại khoản 1”.
Như vậy, theo các qui định nêu trên của Luật Xây dựng, Nghị định 209 và Nghị định 179 thì hoạt động xây dựng giao thông bắt buộc phải tuân thủ quy chuẩn xây dựng và các tiêu chuẩn xây dựng được Bộ Xây dựng, Bộ GTVT và các Bộ, Ngành liên quan công bố bắt buộc áp dụng liên quan đến công trình đó và bắt buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn được Bộ GTVT quyết định áp dụng cho chính công trình đó.
Trong khi qui chuẩn xây dựng chưa được hoàn thiện, phần qui chuẩn xây dựng chi tiết liên quan đến xây dựng công trình giao thông chưa được ban hành, các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng chưa được công bố đầy đủ và các tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng cũng như các tiêu chuẩn nước ngoài có thể áp dụng rất đa dạng và phong phú thì việc quan trọng nhất hiện nay là đối với mỗi dự án xây dựng công trình giao thông, kể cả các dự án do các địa phương, các bộ ngành khác làm chủ đầu tư, đều phải có quyết định hoặc thỏa thuận của Bộ Giao thông vận tải về các tiêu chuẩn được áp dụng cho từng dự án đó. Đây chính là nội dung công việc đã được thể chế hoá bằng Quyết định số 25/2005/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT để tăng cường việc đảm bảo kỷ cương tiêu chuẩn hoá trong các dự án xây dựng giao thông. Có như vậy mới có thể thống nhất xác định được mức chất lượng, hay còn gọi là tiêu chuẩn của sản phẩm, ở đây là các công trình giao thông được xây dựng mới, ngay từ khi bắt đầu và trong khi thực hiện dự án đầu tư.
Mức chất lượng, hay nói cách khác là tiêu chuẩn chất lượng cần đạt phải được khẳng định ngay từ đầu, chính là một trong những mục đích quan trọng nhất của việc thực hiện đầu tư. Do vậy, mục đích này cần được quyết định trước để làm cơ sở cho việc khảo sát, thiết kế, thi công , giám sát chất lượng kể cả chất lượng vật liệu, nghiệm thu từng giai đoạn, nghiệm thu bàn giao và bảo trì khai thác công trình.
Việc cần thiết hiện nay là phải tiếp tục tiến hành rà soát, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như Bộ Xây dựng để từng bước công bố các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng trong lĩnh vực xây dựng giao thông. Công việc này đòi hỏi phải có lộ trình và thời gian nhất định. Do đó, để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn hoá trong xây dựng giao thông, cách làm cần thiết và khả thi nhất trước mắt là thực hiện và tuân thủ các quy định đã được đề cập trong Quyết định số 25/2005/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT. Điều này hoàn toàn tuân thủ qui định của khoản 2 điều 9 của Nghị định 179/2004/NĐ-CP của Chính phủ về việc công bố những sản phẩm gì phải áp dụng những tiêu chuẩn tương ứng nào như đã nêu ở trên cũng như các quy định của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Toàn bộ nội dung cần thực hiện và tuân thủ đối với việc áp dụng tiêu chuẩn trong xây dựng giao thông hiện nay đã được đề cập trong Quyết định số 25/2005/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT. Dưới đây xin được nêu lại những vấn đề chủ yếu.
Khi lập hồ sơ trình phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, chủ đầu tư cần chỉ đạo và có trách nhiệm cùng tư vấn xác định "các số liệu về điều kiện tự nhiên, tải trọng và tác động; danh mục các quy chuẩn, tiêu chuẩn" (sau đây được gọi tắt là Khung tiêu chuẩn) áp dụng cho dự án đáp ứng yêu cầu của điểm a) khoản 2. Điều 7 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP của Chính phủ và các Điều 8; 13; 14; 16 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Danh mục tiêu chuẩn áp dụng cho dự án được lựa chọn từ các qui chuẩn xây dựng, các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng liên quan đã được các Bộ, Ngành ban hành và các tiêu chuẩn khuyến khích áp dụng đã được ban hành hoặc công bố ở trong nước cũng như các tiêu chuẩn nước ngoài liên quan thỏa mãn các qui định của Quyết định số 09/2005/QĐ-BXD ngày 7/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã nêu ở trên, sao cho phù hợp với khả năng của nguồn vốn và các điều kiện tự nhiên, xã hội và các điều kiện khác liên quan. Trong giai đoạn lập dự án, Khung tiêu chuẩn này phải được Bộ Giao thông vận tải, hoặc cơ quan, tổ chức được Bộ GTVT thỏa thuận hoặc ủy quyền, phê duyệt. Hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án phải tuân thủ Khung tiêu chuẩn này. Khung tiêu chuẩn này sẽ là các tiêu chuẩn bắt buộc phải áp dụng đối với tất cả các bước tiếp theo của dự án bao gồm: khảo sát, thiết kế, nghiệm thu hồ sơ thiết kế, thi công, kiểm soát - giám sát chất lượng, nghiệm thu bàn giao và quản lý, bảo trì, khai thác công trình.
Thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp thiết kế 1 bước); thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp thiết kế 2 bước) hoặc thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp thiết kế 3 bước) phải tuân thủ " Khung tiêu chuẩn" đã được phê duyệt ở giai đoạn lập dự án. Việc thay đổi hoặc bổ sung tiêu chuẩn ở bước lập hồ sơ thiết kế khác với "Khung tiêu chuẩn" của dự án phải được sự chấp thuận của Bộ GTVT hoặc của cơ quan, tổ chức được Bộ GTVT thỏa thuận hoặc ủy quyền.
Hồ sơ mời dự thầu hoặc hồ sơ mời đấu thầu (sau đây được gọi tắt là hồ sơ thầu) theo quy định của Nghị định 16/2005/NĐ-CP [10] phải có thông tin về gói thầu, các yêu cầu và chỉ dẫn cần thiết hoặc các điều kiện của hợp đồng. Một trong những tài liệu của hồ sơ thầu để thể hiện nội dung của yêu cầu này là tập "Quy định và chỉ dẫn kỹ thuật" của từng gói thầu hoặc của toàn dự án. Đây là một tài liệu bắt buộc của hồ sơ thầu và phải được chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt. Tập "Quy định và chỉ dẫn kỹ thuật" được soạn thảo phải tuân thủ và căn cứ vào "Khung tiêu chuẩn" của dự án đã được phê duyệt. Trong trường hợp khi lập "Qui định và chỉ dẫn kỹ thuật" còn phải bổ sung các tiêu chuẩn chưa được đề cập trong "Khung tiêu chuẩn" đã được phê duyệt thì phải lập danh mục các tiêu chuẩn bổ sung trình Bộ Giao thông vận tải, hoặc cơ quan, tổ chức được Bộ Giao thông vận tải thỏa thuận hoặc ủy quyền, phê duyệt.
Tập "Quy định và chỉ dẫn kỹ thuật" cần có nội dung như là một tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu cụ thể và chi tiết của từng gói thầu hoặc của toàn dự án để làm căn cứ:
1) Cho tư vấn giám sát và chủ đầu tư giám sát chất lượng, nghiệm thu giai đoạn, nghiệm thu công trình hay dự án.
2) Cho nhà thầu triển khai lập hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ đấu thầu bao gồm cả bản vẽ, giải pháp thực hiện, biện pháp kỹ thuật, thiết kế công nghệ, qui trình công nghệ, phòng thí nghiệm hiện trường, biện pháp kiểm soát và tự đảm bảo chất lượng thi công.
3) Cho cơ quan, đơn vị tiếp nhận bàn giao làm cơ sở pháp lý để quản lý, bảo trì khai thác công trình.
Việc quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình của nhà thầu tuân theo quy định tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ bao gồm việc lập hệ thống quản lý chất lượng, thực hiện các thí nghiệm kiểm tra vật liệu, cấu kiện, vật tư, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ cũng như việc lập biện pháp thi công đều phải tuân thủ và căn cứ vào "Khung tiêu chuẩn" và "Quy định và chỉ dẫn kỹ thuật" đã được duyệt nêu tại Điều 4 và Điều 6 của Quy định này.
Việc kiểm soát, giám sát chất lượng và nghiệm thu phải tuân thủ và căn cứ vào "Khung tiêu chuẩn" và "Quy định và chỉ dẫn kỹ thuật" đã được duyệt.
Thực tế áp dụng các qui định của Quyết định số 25/2005/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT trong hơn hai năm qua đã góp phần đảm bảo được kỉ cương trong công tác tiêu chuẩn hóa trong hoạt động xây dựng giao thông cũng như đảm bảo được tốt hơn công tác quản lí chất lượng, giá thành và hiệu quả trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng các công trình giao thông hiện nay.
PGS.TS. Tống Trần Tùng