Ngày 14/11, Bộ GTVT đã ban hành Văn bản số 14488/BGTVT-PC "Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Đức - về chủ trương chuyển một số cảng biển, khu neo đậu khu chuyển tải hàng hải nằm trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia".
Nội dung Văn bản như sau:
Bộ Giao thông vận tải nhận được chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Đức - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp tại văn bản ngày 11/11/2014, với nội dung chính như sau:
Ngày 21/10/2014, Bộ Giao thông vận tải có công văn số 13302/BGTVT-PC về việc giải quyết bất cập liên quan đến quản lý nhà nước giữa hàng hải và đường thủy nội địa, trong đó tại phần II có ghi “Đồng ý chuyển các cảng biển, khu neo đậu, khu chuyển tải hàng hải hiện có trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia thành các cảng, khu neo đậu, khu chuyển tải thủy nội địa và giao cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam quản lý”. Nếu thực hiện chủ trương này thì một số cảng biển trở thành cảng thủy nội địa sẽ gây khó khăn cho việc thu hút nguồn vốn đầu tư và mở rộng quy mô, dẫn đến giảm sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm nguồn thu ngân sách; sẽ phát sinh những bất cập và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... Đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải xem xét, tạo điều kiện cho các cảng biển của Đồng Tháp nói riêng và của khu vực nói chung hoạt động phù hợp với thực tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách cho các địa phương (Chi tiết xem Phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi kèm theo).
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải xin được trả lời như sau:
Hiện nay, ở nước ta, tồn tại một thực trạng là một số cảng biển, khu neo đậu, khu chuyển tải hàng hải nằm trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Điều này dẫn đến bất cập trong công tác quản lý hoạt động giao thông thủy và gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, cụ thể như sau:
- Trong cùng một khu vực, có sự hiện diện của hai cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải: Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức thực hiện quản lý cảng biển, khu neo đậu, khu chuyển tải hàng hải; Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức thực hiện quản lý cảng, bến thủy nội địa và luồng đường thủy nội địa quốc gia. Điều này dẫn đến sự đan xen, chồng chéo và làm giảm hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước;
- Các phương tiện thủy (tàu biển và phương tiện thủy nội địa) vào, ra khu vực này phải thực hiện quy định của hai hệ thống pháp luật. Cụ thể, phương tiện đi trên đường thủy nội địa phải theo pháp luật giao thông đường thủy nội địa; đến cảng biển, khu neo đậu, khu chuyển tải hàng hải lại phải tuân theo pháp luật hàng hải. Điều này gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động vận tải thủy trong việc chấp hành pháp luật.
Để khắc phục tồn tại trên, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động vận tải thủy, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, Bộ Giao thông vận tải dự kiến chuyển các cảng biển, khu neo đậu, khu chuyển tải hàng hải trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia thành các cảng, khu neo đậu, khu chuyển tải thủy nội địa và giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam quản lý.
Theo quy định của pháp luật đường thủy nội địa, cảng thủy nội địa cũng được tiếp nhận tàu biển và phương tiện thủy nước ngoài như cảng biển. Như vậy, không có sự khác biệt lớn giữa cảng biển và cảng thủy nội địa. Do đó, khi thực hiện việc chuyển đổi này thì các cảng biển, khu neo đậu, khu chuyển tải hàng hải vẫn giữ nguyên vai trò, chức năng và công dụng của nó, chỉ khác nhau về tên gọi và cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải tại cảng, khu chuyển tải, khu neo đậu đó.
Việc chuyển đổi các cảng biển, khu neo đậu, khu chuyển tải hàng hải thành các cảng, khu neo đậu, khu chuyển tải thủy nội địa mới chỉ là dự kiến. Để triển khai thực hiện chủ trương nêu trên, Bộ Giao thông vận tải sẽ xin ý kiến của các địa phương có liên quan. Sau khi có sự đồng thuận của các địa phương, Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ như phê duyệt quy hoạch cảng biển, công bố danh mục cảng biển... trước khi triển khai thực hiện. Trong trường hợp không nhận được sự đồng thuận của các địa phương, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các địa phương để có các giải pháp nhằm giảm thiểu vướng mắc do có sự chồng lấn trong quản lý nhà nước giữa hàng hải và đường thủy nội địa.
Trên đây là ý kiến giải trình của Bộ Giao thông vận tải về nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội. Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn ý kiến của đại biểu Quốc hội về công tác quản lý của ngành Giao thông vận tải và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của đại biểu Quốc hội trong thời gian tới./.