Theo đó, thực hiện Công điện số 95/CĐ-TTg ngày 10/01/2013 và Công điện số 1966/CĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá trọng tải và tăng cường kiểm soát trọng tải xe trên đường bộ; Kế hoạch số 500/KH-UBATGTQG ngày 30/12/2013 của ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) triển khai công tác bảo đảm TTATGT năm 2014 với chủ đề “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”; Công văn số 478/TTg-KTN chỉ đạo tăng cường thực hiện các giải pháp siểt chặt kiểm soát trọng tải xe vận chuyển hàng hóa trên đường bộ; Thông báo số 305/TB-VPCP về kết luận của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại cuộc họp xử lý tình trạng tiêu cực tại các trạm cân và hiện tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê hoạt động xe quá tải, quá khổ trên một số tuyến đường bộ; trong thời gian qua, Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt đối với công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải và các Bộ ngành liên quan đã phối hợp tốt trong công tác chỉ đạo, điều hành; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt thực hiện nghiêm túc, đã ban hành các chỉ thị, kế hoạch và quy chế hoạt động cho các Trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) lưu động; 63/63 địa phương có kế hoạch phối họp giữa Công an tỉnh và Sở GTVT triển khai thực hiện; bố trí kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ kế hoạch và tổ chức lực lượng liên ngành kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm. Từ ngày 01/4/2014, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đồng loạt được triển khai trên toàn quốc đã tác động mạnh đến việc chấp hành quy định về vận tải đường bộ của các doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe; tình trạng xe ô tô chở hàng quá trọng tải đã có chuyển biến tích cực, nhất là tại các địa phương, các đoạn tuyến đường được tổ chức KTTTX liên tục 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần.
Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện bước đầu đã đạt được những kết quả, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương đã làm cho lượng xe chở hàng quá trọng tải đã giảm hẳn, nhất là xe chở hàng đường dài; nhiều lái xe, chủ xe, chủ hàng, chủ doanh nghiệp vận tải đã có ý thức chấp hành tốt hơn.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn tình trạng một số lái xe, chủ xe, chủ hàng xếp, chở hàng quá tải trọng cho phép hoạt động lén lút vào ban đêm, đi trốn tránh, né các điểm KTTTX; hành vi này đã và đang bị xã hội lên án. Đa phần các địa phương thường tập trung kiểm tra các phương tiện của địa phương khác lưu thông hoặc vận chuyến đi qua địa phương mình; một số địa phương vẫn còn tình trạng e ngại nếu làm quyết liệt, triệt để thì ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình lớn hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế tại địa phương. Một số địa phương đã triển khai tốt, đã quan tâm và làm quyết liệt song đây là công tác hết sức phức tạp, cần thời gian thực hiện thường xuyên và lâu dài. Mặc dù đã triển khai quyết liệt nhưng tại một số địa phương công tác kiểm soát tải trọng phương tiện còn diễn biến phức tạp và hiệu quả chưa cao, do nhiều nguyên nhân . Để triển khai quyết liệt hơn công tác này cần có sự vào cuộc và chỉ đạo của đồng chí Bí thư và lãnh đạo cấp tỉnh; đặc biệt là các địa phương có số lượng phương tiện ô tô tải hoạt động nhiều hoặc các địa phương tập trung nhiều công trình, khu kinh tế lớn đang thi công, địa phương có nhiều cảng biển, ... dẫn đến tình trạng phương tiện chở quá tải chiếm tỷ lệ nhiều hơn cần tập trung chỉ đạo và làm quyết liệt hơn để ngăn chặn triệt để.
Để tiếp tục chấn chỉnh tình trạng này, Bộ Giao thông vận tải kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ và triển khai quyết liệt, triệt để trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, cụ thể như sau: Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, cùng phối hợp và khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện có hiệu quả các công điện, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện và xử lý tình trạng tiêu cực tại các trạm cân và hiện tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê hoạt động xe quá tải, quá khổ trên một số tuyến đường bộ.
Bộ Công an tiếp tục duy trì thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phối hợp của liên Bộ Giao thông vận tải - Bộ Công an, các lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát khác, thanh tra giao thông thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch; Tiếp tục lập các chuyên án điều tra và xử lý tình trạng tiêu cực tại các trạm cân và hiện tượng bảo kê hoạt động xe quá tải, quá khổ trên một số tuyến đường bộ.
Bộ Giao thông vận tải bố trí các điểm KTTTX lưu động tập trung kiểm soát, xử lý ngay tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng biển, cảng thủy nội địa, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô vận tải và xử lý vi phạm về kích thước thùng xe. Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp Bộ Công an làm việc với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phối hợp chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác kiểm tra tải trọng phương tiện.
Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về trọng tải xe, xếp hàng hóa trên xe ô tô; thiệt hại do xe quá tải gây ra; chủ trương của Chính phủ và Bộ Công an - Bộ GTVT về kiểm soát, xử lý trọng tải xe; biểu dương các điển hình tốt và phê phán các hành vi vi phạm.
Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp trực thuộc hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, sản xuất hoặc cung ứng vật liệu xây dựng, khai thác tài nguyên, khoáng sản yêu cầu các cơ quan, đơn vị này quán triệt thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xếp hàng hóa trên xe ô tô và có biện pháp kiểm soát chặt việc xếp hàng hóa đúng trọng tải lên xe ô tô ngay tại khu vực đầu nguồn hàng do mình quản lý.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là cấp tỉnh), kiêm Trưởng ban An toàn giao thông cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thực hiện công tác kiểm soát tải trọng trên địa bàn địa phương mình và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ này; đồng thời báo cáo Ban thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy có văn bản để quán triệt đến cơ sở Đảng các cấp trong địa phương mình về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá thực hiện nghiêm các quy định về trọng tải xe ô tô; xây dựng phương án vận tải đúng trọng tải để cam kết và thực hiện hợp đồng với chủ hàng; chủ động lập phương án kết nối vận tải đường bộ với đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa nhằm giảm quãng đường xe chạy trên đường bộ, tăng năng lực vận tải và giảm chi phí vận tải cho chủ hàng đồng thời bảo đảm lợi nhuận kinh doanh vận tải.
Bộ Giao thông vận tải kính báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo.
Toàn văn Công văn xem tại đây
KC