Theo Quyết định, việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội nhằm giảm áp lực về nguồn vốn ngân sách nhà nước; tạo môi trường đầu tư bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả, đồng thời đảm bảo lợi ích hài hòa của nhà nước và nhà đầu tư; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về huy động vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Mục tiêu cụ thể của Đề án, về huy động vốn ngoài ngân sách giai đoạn 2015 - 2020, đạt khoảng 40% (tương ứng khoảng 45 dự án/12.600 tỷ đồng) tổng nhu cầu vốn đầu tư. Riêng giai đoạn 2015 - 2016 thí điểm thực hiện ít nhất 02 dự án/1,800 tỷ đồng theo hình thức xã hội hóa. Giai đoạn sau năm 2020 đạt khoảng 70% tổng nhu cầu vốn đầu tư. Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa cơ bản hoàn thành trong năm 2015.
Quyết định cũng nêu rõ các giải pháp chủ yếu về thể chế chính sách; các hình thức hoàn vốn đầu tư; giải pháp thu phí; công tác quản lý nhà nước và quy hoạch và tổ chức thực hiện.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Nội dung Quyết định xem tại đây.
VH