Bê tông hóa đường giao thông theo Chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Chiềng Mai (Mai Sơn).
Mai Sơn có 21 xã và 1 thị trấn, hệ thống giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội luôn đặt ra yêu cầu cần thiết, nhằm đáp ứng nhiệm vụ phát triển của huyện trọng điểm kinh tế của tỉnh. Bám sát nhu cầu cấp thiết phục vụ đời sống, phát triển sản xuất của các vùng, các xã trong huyện; nhất là việc ưu tiên cho các xã, bản nghèo khó khăn, chưa có đường giao thông, vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, Mai Sơn đặc biệt quan tâm lồng ghép các chương trình, các nguồn vốn của địa phương để làm đường giao thông nông thôn; từng bước đầu tư xây dựng và nâng cấp, duy tu bảo dưỡng thường xuyên đáp ứng tiêu chí về giao thông nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
5 năm qua (2010 - 2014), phong trào phát triển giao thông nông thôn của huyện Mai Sơn vừa phát huy được nguồn lực đầu tư của Nhà nước, vừa huy động được sự tham gia đóng góp tích cực của nhân dân. Tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng phát triển giao thông nông thôn lên tới gần 290 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 9 tỷ 635 triệu đồng; ngân sách địa phương 58,95 tỷ đồng; vốn ODA hơn 52,5 tỷ và vốn đóng góp của nhân dân trên 48 tỷ đồng. 1.314 km đường các loại được cải tạo nâng cấp; 78 cầu các loại trên tuyến đường huyện, xã được xây dựng mới và sửa chữa. Chỉ tính giai đoạn 2013 - 2014, thực hiện Nghị quyết 40 và 63 của HĐND tỉnh, toàn huyện đã nâng cấp hơn 43 km đường, tổng mức đầu tư trên 50,6 tỷ đồng (huy động đóng góp của nhân dân được 34,2 tỷ đồng); thực hiện theo Nghị quyết 41 đã nâng cấp 16,3km với tổng mức kinh phí trên 9,3 tỷ đồng (nhân dân đóng góp gần 5,3 tỷ đồng). Bên cạnh đó, Mai Sơn còn làm tốt công tác quản lý, bảo trì đường giao thông nông thôn, tập trung sửa chữa, nâng cấp cầu treo và tu sửa đường; toàn huyện đã tu sửa được trên 23,3km đường và làm 3 cầu treo với kinh phí của Nhà nước hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng và nhân dân đóng góp gần 600 triệu đồng.
Mạng lưới đường giao thông nông thôn của huyện tăng nhanh về số lượng qua từng năm. Phát triển giao thông nông thôn đã và đang tạo tiền đề cho các ngành kinh tế phát triển phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện cũng như của cả tỉnh; gắn kết với mạng giao thông của các huyện, tuyến đường của tỉnh tạo sự liên hoàn, thông suốt. Toàn huyện hiện có 344km đường tuyến huyện; 41km tuyến đường xã; gần 990km đường thôn xóm. Các tuyến đường đến trung tâm xã, liên xã, trục thôn xóm, trục chính nội đồng được cứng hóa theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới là 146km. Qua đánh giá thực hiện tiêu chí về giao thông nông thôn mới Mai Sơn đã đạt được những kết quả khá rõ, như: Tỷ lệ đường giao thông trục xã, liên xã được nhựa hóa, hoặc bê tông hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật đạt 30% so với quy hoạch được duyệt; tỷ lệ đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt 20%; tỷ lệ km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt 42% so với quy định của Bộ giao thông vận tải. Hiện chỉ còn 5 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã đi được 4 mùa, là Phiêng Pằn, Chiềng Ve, Phiêng Cằm, Chiềng Nơi, Chiềng Dong.
Phấn đấu hết năm 2015 có thêm 1 xã có đường đến trung tâm xã đi được 4 mùa; đến năm 2020 đạt 100% số xã có đường đến trung tâm xã đi được 4 mùa. Hết năm 2015 đạt 15% và năm 2020 đạt 50% đầu tư xây dựng đường đến bản; đường nội bộ bản; đường trục chính nội đồng đạt chuẩn trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Giải pháp của Mai Sơn là tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo điều hành; khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và huy động có hiệu quả nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn; thực hiện hiệu quả việc lồng ghép vốn đầu tư theo các chương trình mục tiêu và vốn của địa phương để sớm hoàn thành đưa các công trình giao thông đạt tiêu chí về nông thôn mới. Tiếp tục triển khai có hiệu chương trình hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết 40 (63), 41 của HĐND tỉnh, huy động nguồn vốn đóng góp của nhân dân trong phát triển giao thông cũng như duy tu bảo dưỡng các tuyến đường ngày càng hiệu quả.