Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp nghe báo cáo các Quy hoạch phát triển đường sắt
Đối với nội dung điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam chỉ ra rằng mục tiêu tổng quát của Quy hoạch sau khi được điều chỉnh là phát triển giao thông vận tải ĐS đồng bộ về kết cấu hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và công nghiệp đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, tương đương với các quốc gia tiên tiến trong khu vực, thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế khác, hướng tới mục tiêu đưa VN cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020; xây dựng và ban hành cơ chế đặc thù, hấp dẫn để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải ĐS, phấn đấu thu hút vốn ngoài ngân sách cho đầu tư kết cấu hạ tầng đạt ít nhất 10% (đến năm 2020) và 20% (đến năm 2030) tổng vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, từng bước hình thành mạng lưới ĐS hoàn chỉnh liên kết các trung tâm kinh tế - xã hội, các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và phối kết hợp các phương thức vận tải khác; đảm bảo nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới chương trình và mở rộng các hình thức đào tạo; nâng cao công tác xã hội hóa trong đào tạo đảm bảo đủ nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển đường sắt hiện đại.
Về Quy hoạch chi tiết, nâng cấp hiện đại hóa ĐS Bắc - Nam, phía đơn vị Tư vấn (Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT) cho biết: Mục tiêu cụ thể cho Quy hoạch giai đoạn 2020 có tốc độ bình quân tàu khách là 80 - 90km/h, tàu hàng là 50 - 60km/h; vận tải hành khách đạt 14 - 16 triệu HK/năm, 7,7 - 8,8 tỷ HK.Km; vận tải hàng hóa đạt 5 - 6 triệu tấn/năm, 4,8 – 6,3 tỷ tấn.Km; năng lực thông qua lớn hơn hoặc bằng 25 đôi tàu/ngày đêm.
Đơn vị Tư vấn báo cáo điều chỉnh Quy hoạch tổng thể
phát triển GTVT đường sắt VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Trên cơ sở phân tích hiện trạng tuyến đường sắt Bắc - Nam, quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu chi tiết của Quy hoạch, đại diện đơn vi Tư vấn cũng đưa ra các giải pháp và chính sách chủ yếu để thực hiện Quy hoạch.
Cũng tại đây, ông Trần Minh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư có báo cáo cụ thể về kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển GTVT đường sắt. Theo đó, trên cơ sở định hướng Chiến lược phát triển ĐS, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Vụ đã tham mưu Bộ trưởng có Văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp về kết hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, các nội dung chủ yếu liên quan đến xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng ĐS bao gồm: cải tạo nâng cấp tuyến ĐS Hà Nội - TP.HCM; nghiên cứu ĐS tốc độ cao; tiếp tục đầu tư để đưa vào khai thác tuyến ĐS Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; cải tạo nâng cấp tuyến ĐS Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên; khởi động các dự án mới ĐS Sài Gòn - Lộc Ninh, Trảng Bom - Hòa Hưng, Biên Hòa - Vũng Tàu…
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông có chỉ đạo cụ thể đối với từng nội dung về kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển GTVT ĐS; điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chi tiết hiện đại hoá tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Cụ thể, Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan đơn vị phải chủ động xây dựng nội cụ thể cần triển khai đối với Chiến lược phát triển GTVT ĐS; việc triển khai này không tách rời với các Đề án, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ĐS.
“Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như chi tiết hóa được các tuyến hiện nay; đưa ra được lộ trình, thứ tự các nội dung ưu tiên triển khai trong Quy hoạch. Cùng với đó, Quy hoạch chi tiết hiện đại hoá tuyến đường sắt Bắc - Nam cũng phải đưa ra được thư tự ưu tiên, khả năng huy động vốn của từng dự án đầu tư” - Thứ trưởng đề nghị.
K.A