Theo báo cáo của tư vấn TEDI về Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đến năm 2030, đường cao tốc Biên Hòa đến cảng Cái Mép - Thị Vải có quy mô 4 làn xe sẽ mãn tải, để phù hợp với tiến trình khai thác và tiết giảm kinh phí xây dựng, thu hút được các nhà đầu tư, Tư vấn kiến nghị đầu tư xây dựng giai đoạn 1 đường cao tốc Biên Hòa - cảng Cái Mép là giải phóng mặt bằng và xây dựng với quy mô 4 làn xe hạn chế, sau năm 2030 xem xét đầu tư mở rộng theo quy mô hoàn chỉnh.
Căn cứ vào số liệu khảo sát và các tài liệu thu thập được, Tư vấn lập dự án đã hoàn thành đề xuất Dự án xây dựng đường ô tô cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, theo đó kiến nghị giai đoạn 1 của Dự án sẽ đầu tư từ Biên Hòa đến cảng Cái Mép - Thị Vải với quy mô 4 làn xe hạn chế, tổng mức đầu tư 7.655 tỷ đồng và thời gian hoàn vốn là 24 năm 11 tháng.
Cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện và thủ tục triển khai các dự án
đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương
Về Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đại diện Ban QLDA 1 cho biết, phương án đầu tư Dự án theo hình thức BOT là đầu tư hoàn chỉnh toàn dự án từ Dầu Giây đến Liên Khương và vận hành đầu tư theo hai phương án, theo đó phương án 1 sẽ đầu tư cả đoạn tuyến Dầu Giây - Liên Khương, trong đó đoạn Dầu Giây - Tân Phú và Bảo Lộc - Liên Khương thực hiện theo hình thức BOT; đoạn Tân Phú - Bảo Lộc dự kiến thực hiện kêu gọi nguôn vốn vay ODA hỗ trợ và vận hành thu phí trên toàn tuyến.
Phương án 2, sẽ thực hiện đầu tư từng đoạn, cụ thể đoạn 1 thực hiện đầu tư đoạn Dầu Giây - Tân Phú theo hình thức BOT; đoạn 2 thực hiện kêu gọi đầu tư đoạn Tân Phú - Liên Khương theo hình thức BOT, Nhà nước góp bằng nguồn vốn vay ODA hoặc vốn ngân sách Nhà nước khác để thực hiện đầu tư đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, xem xét ưu tiên Nhà đầu tư bên cung cấp ODA thực hiện đoạn Bảo Lộc - Liên Khương, Nhà đầu tư vận hành thu phí từ Tân Phú đến Liên Khương.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông giao Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (PPP), Ban Quản lý dự án 1, Tư vấn lập dự án thực hiện rà soát các nội dung (hồ sơ dự án, quy mô, tổng mức đầu tư, phân đoạn đầu tư…), hoàn chỉnh báo cáo Lãnh đạo Bộ trước ngày 25/3; để sớm trình Chính phủ trước ngày 10/4/2015.
Thời gian tới, đơn vị nào triển khai Dự án khôi phục, cải tạo QL20 chậm
sẽ bị chấm dứt hợp đồng, thay thế bằng đơn vị khác để đảm bảo tiến độ
Về Dự án khôi phục, cải tạo QL20 đoạn Km123 - Km268, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá trong quá trình triển khai Dự án, các bên đã nỗ lực phối hợp giải quyết các thủ tục pháp lý, đồng thời triển khai trên hiện trường. Tuy nhiên, việc triển khai Dự án chậm. Nguyên nhân là do việc cam kết và góp vốn của nhà đầu tư, tín dụng khó khăn và kéo dài, ảnh hưởng tiến độ trên hiện trường và tiến độ tổng thể.
Thứ trưởng yêu cầu Nhà đầu tư, các Cục, Vụ liên quan của Bộ tập trung xử lý các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ Dự án, trong đó sớm hoàn tất các thủ tục, Nhà đầu tư xác định thời gian về thu xếp tín dụng cũng như tình hình huy động vốn, đôn đốc Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, nếu đơn vị nào chậm trễ thì thay thế ngay để đảm bảo tiến độ dự án.
Xuân Nguyên