Bộ trưởng Đinh La Thăng: Nung nấu đưa kinh tế hàng hải lên vị trí dẫn đầu
Trình bày tờ trình trước Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: "Việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Hàng hải là để tạo cơ hội cho ngành này phát triển nhưng phải đảm bảo 4 yêu cầu: Tuân theo tinh thần Hiến pháp 2013; bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia; cải cách hành chính; tạo đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế biển.
Để lấy dẫn chứng cho việc cần thiết phải sửa đổi Bộ luật này, tạo bước đột phá trong việc phát triển kinh tế biển ở Việt Nam, Bộ trưởng Thăng nêu rõ: “Theo Ngân hàng thế giới (WB), giao thông vận tải biển của VN đứng thứ 74/138. Còn Logistic (dịch vụ hậu cần vận chuyển, kho bãi…) năm 2014 xếp thứ 48 trên thế giới. Nhưng điều đáng nói là Việt Nam chỉ đứng trên 3 nước trong khu vực Đông Nam Á, đó là Lào, Campuchia và Myanmar, trong đó Lào không có biển”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: kinh tế hàng hải sẽ vươn lên vị trí thứ nhất thay dầu khí
Vì thế, theo Bộ trưởng Thăng, nung nấu của ngành GTVT khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hàng hải là nhằm tạo cơ hội tạo đột phá về thể chế chính sách phát triển kinh tế biển, phấn đấu từ năm 2021, kinh tế hàng hải sẽ vươn lên vị trí thứ nhất thay dầu khí.
"Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta còn rất nhiều vấn đề phải làm” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Một trong những khâu mấu chốt được Bộ trưởng Thăng đặc biệt nhắc đến trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hàng hải lần này là vấn đề Chính quyền cảng. Bộ trưởng Thăng đánh giá đây sẽ là nội dung đột phá nhất trong tất cả các nội dung sửa đổi.
“Hầu hết các nước đều có mô hình tổ chức chính quyền cảng, ngay như Thái Lan cũng đã có mô hình tổ chức chính quyền cảng từ năm 1981. Hiện nay tất cả những tồn tại, bất cập nhất của chúng ta chính là việc tổ chức phối hợp đầu tư khai thác cảng còn yếu dẫn đến việc kinh doanh kém hiệu quả, tổ chức các dịch vụ kém nên năng suất thì thấp, giá thì cao. Chính vì vậy cần có một mô hình tổ chức cho phù hợp” – Bộ trưởng Bộ GTVT phân tích rõ.
Trước những băn khoăn và chưa rõ về mô hình này của một số đại biểu, Bộ trưởng Thăng giải thích: "Mô hình chính quyền cảng này không tổ chức tất cả trên cả nước, không phải cảng nào cũng có chính quyền cảng mà chỉ tổ chức ở những cảng lớn, ví dụ như cảng Hải Phòng và một số nơi khác. Chính quyền cảng cũng không nằm trong hệ thống chính quyền từ T.Ư đến địa phương mà nó là tổ chức để thống nhất sự phối hợp từ đầu tư, kinh doanh đến quản lý, khai thác có hiệu quả cảng biển".
Tại phiên thảo luận sáng 8/4, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cùng nhiều đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, vì trong Bộ Luật hiện hành vẫn còn nhiều điều, khoản mang tính chất khung, cần phải có các văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể; nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có quy định mới liên quan đến quản lý hoạt động hàng hải nên cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam cho phù hợp, thống nhất.
Bên cạnh đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung như cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải, thanh tra hàng hải, cảng vụ hàng hải...
Thay mặt ban soạn thảo giải trình, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã tiếp thu toàn bộ các ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội góp ý và cho biết sẽ hoàn thiện dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.