Thông tin về Quyết định số 12/2015/QĐ-TTg ngày 16/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ

Thứ hai, 27/04/2015 09:24
Thông tin về Quyết định số 12/2015/QĐ-TTg ngày 16/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách

1. Tên văn bản quy phạm pháp luật

Quyết định số 12/2015/QĐ-TTg ngày 16/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách.

2. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2015.

3. Sự cần thiết, mục đích ban hành

Trong những năm qua, nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới bến xe khách và đã đưa nhiều bến xe khang trang, hiện đại vào phục vụ hoạt động vận tải khách, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu đi lại của người dân. Tính đến tháng 6/2014, trên toàn quốc có 457 bến xe khách, bình quân mỗi tỉnh, thành phố có 7 bến xe, trong đó có 70% số bến xe từ loại 4 trở lên. Cụ thể mô hình quản lý bến xe hiện nay như sau:

- Bến xe do các doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý (bến xe xã hội hóa).

- Bến xe do các đơn vị sự nghiệp có thu tổ chức quản lý (Sở GTVT hoặc UBND tỉnh hoặc UBND huyện quản lý) hoặc Bến xe do Phòng Kinh tế hạ tầng hoặc Phòng đô thị huyện hoặc Ban quản lý dự án huyện quản lý.

Đánh giá về các mô hình quản lý:

- Đối với mô hình quản lý bến xe do các đơn vị kinh doanh khai thác quản lý theo Luật Doanh nghiệp (xã hội hóa bến xe): Mô hình này đã đáp ứng được yêu cầu quản lý đối với bến xe như: đảm bảo phương tiện xuất bến đúng giờ theo phân công biểu đồ được phê duyệt, tránh được tình trạng cạnh tranh khách đi xe giữa các đơn vị kinh doanh vận tải trong bến, điều tiết phương tiện nhanh gọn, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách, văn minh, lịch sự và đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường...; phù hợp với quy định của pháp luật; đơn vị chủ động tạo được nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp bến xe, hiệu quả hoạt động cao phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội hiện nay.

- Đối với mô hình quản lý bến xe do đơn vị sự nghiệp có thu hoặc do Phòng Kinh tế hạ tầng hoặc Ban Quản lý Kinh tế hoặc Phòng Đô thị huyện quản lý: Đây là mô hình quản lý tồn tại từ trước đây, chưa phù hợp với Luật Giao thông đường bộ. Những bến xe này theo quy định không thuộc diện nhà nước nắm cổ phần chi phối, cần phải nghiên cứu, phát triển theo hướng cổ phần hóa và kêu gọi các nhà đầu tư mua cổ phần để tăng cường xã hội hóa công tác khai thác bến xe.

Trong điều kiện hiện nay, ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng và khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng còn hạn chế, đặc biệt đối với các bến xe khách. Để phát triển được công tác xã hội hóa bến xe, huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và khai thác bến xe, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, đảm bảo đáp ứng các mục tiêu phát triển vận tải đã được phê duyệt trong Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 04/03/2014, tạo thuận lợi cho sự đi lại của nhân dân cũng như xây dựng các đô thị văn minh, lịch sự, đảm bảo an toàn giao thông thì việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách là hết sức cần thiết.

4. Nội dung chủ yếu

a) Quyết định số 12/2015/QĐ-TTg gồm 10 Điều.

b) Các nội dung chủ yếu của Quyết định:

Quyết định này quy định cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách trên phạm vi toàn quốc. Đối tượng áp dụng của Quyết định là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư, khai thác bến xe khách theo hình thức xã hội hóa.

Về quy hoạch bến xe khách, Quyết định quy định rõ: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm xây dựng, công bố và chỉ đạo thực hiện quy hoạch mạng lưới bến xe khách trên địa bàn địa phương; chủ động kêu gọi xã hội hóa đầu tư, khai thác bến xe khách hoặc cân đối bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện; đảm bảo quy hoạch vị trí các bến xe khách ổn định với thời gian tối thiểu 10 năm. Trường hợp bắt buộc phải di dời, nhà đầu tư sẽ được ưu tiên lựa chọn đầu tư xây dựng, khai thác bến xe khách mới trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được hưởng chế độ bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Quy hoạch hệ thống bến xe khách là căn cứ để xây dựng và phát triển Quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ; Bến xe khách đầu tư theo hình thức xã hội hóa được đấu nối vào hệ thống giao thông đường bộ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, đồng thời tuân thủ các quy định về an toàn giao thông.

Về cơ chế, chính sách về đầu tư xây dựng bến xe khách, Quyết định quy định: Căn cứ nguồn lực của từng địa phương, cho phép hỗ trợ tối thiểu 20% lãi suất vay các tổ chức tín dụng đối với dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng bến xe khách theo hình thức xã hội hóa; Tại các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ, trường hợp không kêu gọi được xã hội hóa xây dựng bến xe khách, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí kinh phí đầu tư xây dựng các hạng mục công trình cơ bản bắt buộc của bến xe khách, bao gồm: khu vực đỗ xe đón, trả khách, khu vệ sinh, phòng vé và phòng chờ cho hành khách, văn phòng làm việc, đường nội bộ, các trang thiết bị cơ bản để tổ chức hoạt động bến xe khách.

Cũng theo Quyết định, chính sách ưu đãi về xã hội hóa khai thác bến xe khách được quy định như sau:

- Miễn tiền thuê đất: Đối với bến xe khách tại các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ được miễn tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích bến xe khách; Đối với các bến xe khách không thuộc đối tượng trên được miễn tiền thuê đất cho phần diện tích của các hạng mục công trình dịch vụ bắt buộc, bao gồm: khu vực đón, trả khách, bãi đỗ xe ô tô chờ vào vị trí đón khách, phòng chờ cho hành khách, khu vực làm việc của bộ máy quản lý, khu vực bán vé, khu vệ sinh, đường xe ra, vào, đường nội bộ bên trong bến xe khách, đất dành cho cây xanh, vườn hoa.

- Thu nhập của nhà đầu tư phát sinh từ dự án đầu tư mới bến xe khách tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ thì được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm.

Quyết định cũng quy định rõ các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và khai thác bến xe khách theo hình thức xã hội hóa được hưởng ưu đãi áp dụng tại Quyết định này phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Đảm bảo các điều kiện về đăng ký kinh doanh theo quy định hiện hành.

- Địa điểm đầu tư xây dựng bến xe khách đúng theo quy hoạch bến xe khách và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấp thuận bằng văn bản.

- Hoạt động đầu tư tuân thủ theo giấy phép xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Nhà đầu tư tham gia đầu tư bến xe khách theo hình thức xã hội hóa phải đảm bảo: Vốn đầu tư xã hội hóa tối thiểu 70% tổng số vốn đầu tư xây dựng bến xe khách (không bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng); Tối thiểu 15% vốn đầu tư thuộc sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện dự án và có kế hoạch bố trí đủ số vốn đầu tư còn lại./.

VỤ PHÁP CHẾ - BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

ĐÁNH GIÁ

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:74237
Lượt truy cập: 170.662.316