Theo đó, Thông tư gồm 4 chương, 12 điều, quy định về quản lý tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải theo quy định của Sửa đổi, bổ sung năm 2002 Công ước Quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển 1974 (gọi tắt là Công ước SOLAS 74) và Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển (gọi tắt là Bộ luật ISPS).
Thông tư này áp dụng cho tàu biển Việt Nam hoạt động trên tuyến quốc tế và tàu biển nước ngoài hoạt động tại vùng nội thủy, lãnh hải của Việt Nam (bao gồm: Tàu khách; tàu hàng có tổng dung tích từ 500 trở lên; giàn khoan di động ngoài khơi); các cảng biển tiếp nhận tàu biển được nêu ở trên; tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài khai thác tàu biển được nêu ở trên (sau đây gọi là công ty tàu biển); tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài quản lý, khai thác cảng biển nói trên; tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý thông tin an ninh hàng hải.
Thông tư quy định rõ tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải của Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải; Cảng vụ Hàng hải; cán bộ an ninh công ty tàu biển Việt Nam, an ninh tàu biển thuộc công ty và các cơ quan có liên quan; Tiếp nhận, truyền phát, xử lý thông tin an ninh hàng hải của tàu biến và các cơ quan có liên quan tại cảng biển trong trường hợp tàu biển nước ngoài đến cảng biển Việt Nam và trường hợp tàu biển Việt Nam và nước ngoài rời cảng biển Việt Nam; trách nhiệm báo cáo thông tin an ninh hàng hải trong vùng nước cảng biển; chế độ báo cáo.
Ngoài ra, Thông tư cũng nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc diễn tập, thực tập kết nối thông tin an ninh hàng hải; thực tập kết nối thông tin an ninh hàng hải; đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ thông tin an ninh hàng hải.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2015 và thay thế Thông tư số 47/2011/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải.
Toàn văn Thông tư 20/2015/TT-BGTVT xem tại đây.