Nội Bài - Lào Cai - Đường cao tốc dài nhất Việt Nam
Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với thiết kế hiện đại đã hoàn thành và chính thức thông xe toàn tuyến vào ngày 21/9/2014. Việc đưa dự án vào khai thác và sử dụng đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội khu vực phía Bắc, đặc biệt vùng Tây Bắc, tạo điều kiện thuận lợi đối với người tham gia giao thông trong việc vận chuyển đi lại, thúc đẩy quá trình giao thương.
Tạo đà phát triển kinh tế - xã hội
Việc đưa dự án vào khai thác toàn tuyến là bước đột phá lớn của toàn ngành giao thông vận tải. Đây là dự án đặc biệt quan trọng phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng phía hữu ngạn sông Hồng, khu vực Tây Bắc và tạo đà chuyển dịch kinh tế - xã hội đồng bào các dân tộc trong khu vực; là đòn bẩy tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) cho các tỉnh khi việc giao dịch thương mại trở nên thuận tiện và nhanh chóng, thúc đẩy phát triển các khu du lịch trọng điểm như khu du lịch Tam Đảo, Đền Hùng, Thác Bà, Hàm Rồng, Sapa và các khu tâm linh của các tỉnh phía Bắc, kết nối đến các khu công nghiệp, giải trí, khu du lịch tâm linh trong khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng
cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương thực hiện nghi lễ thông xe cao tốc Nội Bài-Lào Cai
Theo đánh giá của lãnh đạo các ngành, địa phương thì việc đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân các dân tộc thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuyến đường này kết nối Hà Nội với Hải Phòng, đường cao tốc Côn Minh – Hà Khẩu tạo thành tuyến cao tốc Côn Minh - Hải Phòng, là một trong những tuyến đường hợp tác phát triển tiểu vùng sông Mekong mở rộng, góp phần thực hiện thành công thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc và xây dựng phát triển hai hành lang và một vành đai kinh tế.
Tuyến đường cao tốc đã giúp giảm thời gian đi lại giữa Hà Nội và Lào Cai từ 7 giờ xuống còn 3,5 giờ, từ Hà Nội đi Yên Bái xuống còn hơn 2 giờ và cũng rút ngắn thời gian đi lại với các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ... xuống còn nửa thời gian so với lưu thông trên các tuyến hiện hữu. Đặc biệt dự án còn là điểm kết nối các khu vực nghèo và vùng sâu vùng xa của Tây Bắc với các trung tâm kinh tế phát triển. Tuyến đường được khai thông hứa hẹn sẽ giúp ngành du lịch của các tỉnh khu vực phía Bắc phát triển. Điển hình là quần thể khu di tích - danh thắng Tây Thiên (thuộc huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). Trước đây, quãng đường từ Nội Bài đến Tây Thiên mất hơn 1 giờ thì nay chỉ còn hơn 30 phút. Đặc biệt địa danh du lịch Đền Hùng, Thác Bà, Sa Pa cũng là điểm thu hút khách du lịch từ khi dự án được đưa vào khai thác.
Để đón đầu những lợi thế khi cao tốc Hà Nội - Lào Cai đưa vào hoạt động, trong thời gian qua lãnh đạo các địa phương trong đó có tỉnh Lào Cai đã đi trước một bước trong việc phát triển hạ tầng. Cụ thể, khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được xây dựng một cách đồng bộ; trong đó có khu thương mại công nghiệp Kim Thành - Khu thương mại, công nghiệp lớn nhất vùng biên giới Tây Bắc. Đây là một trong những điểm nối quan trọng của trục hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) với Lào Cai , Hà Nội, Hải Phòng, nối từ cầu đường bộ Kim Thành bắc qua sông Hồng với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Với vị trí thuận lợi, đây là điểm được các nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn để đầu tư dịch vụ thương mại và các dự án khác, từ đó phát triển kinh tế xã hội khu địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận trong khu vực.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong những dự án đường
cao tốc có quy mô lớn nhất và dài nhất Việt Nam (với tổng chiều dài 245km)
Giảm tải áp lực giao thông, tiết kiệm chi phí, an toàn cho người tham gia giao thông
Không chỉ đóng góp quan trọng vào lợi ích phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước, dự án còn đáp ứng được nhu cầu mong đợi của các phương tiện tham gia giao thông, vừa tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu lưu thông trên đường cao tốc lại còn đảm bảo tiêu chí an toàn khi lưu thông, giảm thiểu tai nạn giao thông và tiết kiệm nhiều chi phí khác. Theo khảo sát của đơn vị quản lý khai thác thông thường các xe loại 3, 4, 5 sẽ tiết kiệm được nửa thời gian và từ 500.000 đến hơn 1,5 triệu đồng chi phí nhiên liệu so với lưu thông trên đường cao tốc các tuyến Quốc lộ hiện hữu. Đối với các doanh nghiệp vận tải, lượng nhiên liệu tiêu thụ giảm được khoảng 30-40% khi lưu thông trên tuyến đường cao tốc.
Trước đây, việc lưu thông từ Trung tâm thành phố Hà Nội đến các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, các phương tiện tập trung lưu thông theo các tuyến QL2, QL2B, QL32C, QL4E và Quốc lộ 70. Việc lưu thông tập trung như vậy đã gây áp lực không nhỏ đối với các tuyến đường Quốc lộ. Bên cạnh đó, do phải đi trên quãng đường dài, thời gian lưu thông lâu, đường quanh co nguy hiểm nên tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên các tuyến QL thường xuyên xảy ra. Khi dự án Nội Bài - Lào Cai được đưa vào khai thác sử dụng có vai trò quan trọng trong việc giảm tải áp lực giao thông, tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển, hạn chế tai nạn giao thông và tắc đường, không những hạn chế việc gây tai nạn làm thiệt hại về người, mà còn giảm thiếu chi phí đền bù cho những vụ tai nạn đó.
Mức phí phù hợp
Mặc dù song song với việc đưa dự án vào khai thác, được sự đồng ý của Chính phủ và Bộ giao thông vận tải, chủ đầu tư Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đã tổ chức thu phí trên toàn tuyến theo hình thức thu phí kín và mức phí được tính theo km đường. Cụ thể, đoạn tuyến từ Km0 - Km123 (từ Hà Nội tới Yên Bái) được xây dựng tới 4 làn xe có mức thu là 1.500 đồng/km với xe con (xe tiêu chuẩn), đoạn tuyến từ Km123-Km245 (từ Yên Bái tới Lào Cai) với 2 làn xe sẽ được thu với mức 1.000 đồng/km đối với xe con. Riêng xe khách, xe tải có mức thu cao hơn tùy theo từng loại phương tiện (mức phí cụ thể được niêm yết tại các Trạm thu phí). Tuy nhiên, tuyến đường cao tốc vẫn thu hút được các lưu lượng tương đối lớn các loại xe tham gia lưu thông. Đánh giá trên những lợi ích về mặt kinh tế, xã hội, tính an toàn và tiết kiệm chi phí thì mức phí thu đều được chủ các phương tiện và các hãng doanh nghiệp vận tải chấp thuận. Theo một số hãng doanh nghiệp vận tải thường xuyên lưu thông trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai nhận định thì phần chi phí nhiên liệu tiết kiệm được vừa đủ để trả tiền phí, trong khi đó lại tiết kiệm được thời gian và quãng đường lưu thông trên tuyến, tiết kiệm được tối đa chi phí vận tải cho doanh nghiệp.
Tuyến đường mở ra cơ hội phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương và khu vực
Hiệu quả kinh tế cao
Đường cao tốc Nội Bài Lào Cai tính từ khi đưa vào khai thác toàn tuyến (10/2014) đến nay tổng lưu lượng xe tham gia lưu thông đạt 2,8 triệu lượt phương tiện, trong đó xe con và xe khách đạt 2,5 triệu lượt.
Với thời gian hơn 06 tháng đưa vào khai thác toàn tuyến (10/2014-4/2015) đường cao tốc đã phục vụ khoảng 13 triệu hành khách. Các phương tiện đi trên tuyến cả hành trình (245km) tiết kiệm trung bình 4,5h , đối với các phương tiện đi các chặng ngắn tiết kiệm 1,5h so với thời gian di chuyển trên các tuyến đường cũ trước đây (QL2, QL70..). Như vậy sau khi tính toán tổng số thời gian tiết kiệm do đi trên đường cao tốc so với đường hiện hữu cũ là 22 triệu giờ. Tính trung bình giá trị của 1 giờ làm việc của hành khách là 14.000 vnđ thì tổng số tiền tiết kiệm về thời gian là: 370 tỷ VNĐ.
Phỏng vấn các chủ xe khi lưu thông trên tuyến đánh giá về việc tiết kiệm nhiên liệu khi lưu thông trên đường cao tốc so với đường cũ trung bình vào khoảng 30-40%. Với tổng lưu lượng xe trong 6 tháng là 2,8 triệu lượt xe chi phí nhiên liệu được tiết kiệm là: 450 tỷ VNĐ.
Trước khi có đường cao tốc các phương tiện đi Yên Bái, Lào Cai phải đi theo QL70 địa hình phức tạp, chất lượng lưu thông thấp dẫn đến hao mòn xe (máy móc, lốp, chi phí bảo dưỡng) lớn. Khi đường cao tốc đưa vào khai thác chất lượng lưu thông tốt do đó các chi phí hao mòn xe giảm từ 30.000-100.000 vnđ/lượt đi tùy vào từng loại xe. Đánh giá hiệu quả kinh tế do việc tiết giảm hao mòn xe sau 6 tháng đưa vào khai thác toàn tuyến vào khoảng 120 tỷ VNĐ. Như vây nếu tính theo cả năm hiệu quả về mặt kinh tế do tuyến đường đem lại cho xã hội vào khoảng : 1.800 tỷ VNĐ/năm.
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam số vụ tai nạn Quý I và Quý II năm 2014 trên QL70 trung bình 42 vụ tai nạn, làm chết và bị thương 84 người. Đến Quý IV/2014 số lượng vụ tai nạn còn 14 vụ số người chết và bị thương 01 người và đặc biệt Qúy I/2015 số vụ tai nạn trên QL70 còn 9 vụ, số người chết và bị thương 12 người. Như vậy với việc đường cao tốc Nội Bài Lào Cai đưa vào khai thác đã phân luồng phương tiện nên tình hình tai nạn trên QL 70 đã giảm 70%, số người chết và bị thương giảm 85%.
Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây
Việc đưa vào khai thác toàn tuyến cao tốc dài 55km đã rút ngắn khoảng cách và thời gian đi các vùng lân cận TP. Hồ Chí Minh như đi huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai hiện nay dài khoảng 45km, thời gian lưu thông mất khoảng 60 phút nay rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 22km với thời gian lưu thông giảm chỉ còn khoảng 20 phút. Đi Vũng Tàu hiện nay dài khoảng 120km thời gian lưu thông mất hơn 2,5 giờ đồng hồ. Nếu đi trên cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 95km với thời gian lưu thông chỉ còn khoảng 1 giờ 20 phút do rút ngắn được quãng đường và chất lượng lưu thông được đảm bảo không ùn tắc.
Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây
Từ TP.HCM đi Ngã ba Dầu Giây (giao Quốc lộ 1A (hướng ra phía Bắc) và hướng đi Liên Khương (khu vực Tây Nguyên)) đi theo lộ trình cũ hiện nay dài khoảng 70km thời gian lưu thông mất 3 giờ đồng hồ do thường xuyên ùn tắc. Nếu đi theo đường cao tốc sẽ rút ngắn được 20km và thời gian chỉ còn 1 giờ, nhanh hơn 2 giờ so với trước đây, đồng thời giảm 20% đến 30% chi phí vận tải.
Bên cạnh đó, sau khi thông xe dự án cũng đem lại hiệu quả kinh tế xã hội rõ rệt. Cụ thể sau khi thông xe toàn tuyến (55km), dự kiến lượng xe lưu thông là 25.000 xe/ngày/đêm. Như vậy, trung bình, mỗi phương tiện sẽ tiết kiệm được khoảng 600 nghìn đồng/lượt so với lưu thông trên các tuyến khác. Chỉ tính với 85% lượng xe bình quân tính đổi ghi được trong năm (khoảng 9 triệu lượt) thì trong năm 2015, tuyến cao tốc này sẽ tiết kiệm, làm lợi cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng.
Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng chiều dài trên 50km với điểm đầu trên QL1A (Cầu Giẽ - thuộc địa phận TP. Hà Nội) và điểm cuối trên QL10 (Nút giao thông Cao Bồ -Thuộc địa phận tỉnh Nam Định). Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế tối đa từ 100-120 km/h, trong đó giai đoạn 1 có 4 làn xe và 4 nút giao thông. Đến tháng 7/2012, dự án đã thông xe đưa vào khai thác toàn tuyến, nối dài với tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, tạo ra tuyến đường cao tốc dài 74 km từ Pháp Vân (Hà Nội) đến Cao Bồ (Nam Định).
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
Sau hơn 3 năm đưa dự án vào khai thác và sử dụng dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã phát huy được tính hiệu quả của nó, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội nói chung của các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Theo đánh giá chung của lãnh đạo địa phương tỉnh Ninh Bình, kể từ thời điểm dự án được đưa vào khai thác (2012) đến nay, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của tỉnh tăng cao hơn rất nhiều so với trước đây, đặc biệt phát triển ở ngành du lịch. Do thuận lợi trong quá trình lưu thông, lượng khách tham quan du lịch tại các khu du lịch Tràng An, chùa Bái Đính, Tam Cốc Bích Động… tăng cao hơn rất nhiều. Và một trong những lý do được các lãnh đạo tỉnh cho rằng dẫn đến việc tăng trưởng trên là từ dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Không chỉ có ngành Du lịch phát triển, dự án đưa vào khai thác còn thúc đẩy giao thương giữa trung tâm Thành phố Hà Nội với các tỉnh lân cận, tạo thuận lợi trong việc đi lại ,vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa các tỉnh lân cận trong khu vực, rút ngắn thời gian di chuyển, hạn chế tai nạn giao thông và tắc đường trên tuyến Quốc lộ, không những hạn chế việc gây tai nạn làm thiệt hại về người, mà còn giảm thiếu chi phí đền bù cho những vụ tai nạn đó. Đồng thời còn giúp giảm tải áp lực giao thông và tai nạn giao thông cho tuyến QL1A. Trước đây, các phương tiện đi từ trung tâm thành phố Hà Nội đến Ninh Bình theo các tuyến đường QL1A mất hơn 2 giờ. Tuy nhiên khi đi trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ. Bên cạnh đó, khi lưu thông trên đường cao tốc, các phương tiện và chủ doanh nghiệp vận tải còn tiết kiệm được tối đa nhiên liệu, giảm thiểu chi phí đi lại (12% - 15%) so với lưu thông trên tuyến Quốc lộ cũ.
Khẳng định là việc hoàn thành dự án đường cao tốc và đưa vào khai thác sử dụng đã và sẽ tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh đồng bằng bắc bộ và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, góp phần hình thành và liên kết các khu công nghiệp, tăng cường giao lưu, giao thương hàng hóa và quan trọng hơn nữa là cắt giảm tối đa chi phí vận tải cho các phương tiện và chủ doanh nghiệp, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng chung của địa phương và xã hội.
Đánh giá tiết kiệm được sau khi đấu thầu các dự án do VEC làm chủ đầu tư: Dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình giá trị tiết kiệm sau đấu thầu 415.560.616.061 (7,51%); Dự án Nội Bài - Lào Cai giá trị tiết kiệm sau đấu thầu 3.194.832.023.639 (15,65%); Dự án TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây giá trị tiết kiệm sau đấu thầu 1.756.233.903.495 (10,95%); Dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi giá trị tiết kiệm sau đấu thầu 3.819.627.252.363 (14,82%); Dự án Bến Lức - Long Thành giá trị tiết kiệm sau đấu thầu 1.902.117.761.932 (11,29%).
P.V