Một đoạn đường Hồ Chí Minh qua Đắk Nông
Kỳ 1: Người dân Tây Nguyên mong chờ đường Hồ Chí Minh từng giờ
Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên có chiều dài khoảng 663 km, từ Đăk Giôn (tỉnh Kon Tum) đến Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực duyên hải miền Trung đã và đang đồng loạt thông xe. Đường mới sẽ góp phần giúp Tây Nguyên ngày một khởi sắc.
Dải lụa xuyên Tây Nguyên đại ngàn
Để so sánh lợi ích của đường mới với đường cũ, mới đây Ban QLDA đường Hồ Chí Minh - đơn vị được giao quản lý dự án đã mời đoàn phóng viên của nhiều cơ quan báo chí lớn trực tiếp lên Tây Nguyên mục sở thị tuyến đường.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là con đường tráng nhựa phẳng phiu, xuyên qua những rừng thông bạt ngàn như một dải lụa nối Tây Nguyên với đồng bằng. Gần 6 giờ xe chạy, từ TP HCM, đoàn của chúng tôi đã có mặt tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) do mặt đường êm thuận và các dốc, đèo được nắn lại, giảm độ dốc.
"Chúng tôi có hơn 20 xe tải, vận chuyển hàng hóa nông sản từ Đắk Lắk đi TP HCM. Đường đẹp thế này, lượng hàng hóa sẽ được vận chuyển nhanh hơn, chắc chắn công ty sẽ làm ăn khấm khá. Một cái lợi khác là đường đẹp, rút ngắn thời gian chạy xe, xăng dầu sẽ theo đó mà giảm, xe cũng ít hao mòn hơn. Nếu tính toán chi phí tiết kiệm được vẫn lớn hơn so với việc trả phí qua các trạm thu phí”.
Ông Nguyễn Xuân Đảnh
Giám đốc Công ty DVVT hàng hóa
Tín Nghĩa (Gia Lai)
|
Anh Hồ Sĩ Lực (Báo Tiền Phong) nhiều lần vào Tây Nguyên mục sở thị quá trình xây dựng dự án, lần này trở lại anh tỏ ra bất ngờ về vẻ đẹp của con đường. “Mặt đường phẳng, xe chạy êm không khác gì đi trên cao tốc. Đường mới uốn lượn qua các triền dốc. Hai bên đường bạt ngàn thông, cao su, hồ tiêu và cà phê. Trên đường, những chuyến xe khách, xe tải chạy êm ru. Về lâu dài, con đường sẽ thúc đẩy cuộc sống của bà con Tây Nguyên, thu hút các nhà đầu tư lớn về đây”, anh Lực nói.
Cũng có mặt trên xe, anh Thành Đồng (Báo Người Lao động) không khỏi ngạc nhiên về sự thay đổi nhanh chóng của tuyến đường. “Trước đây, nằm rải rác trên QL14 là những “ổ voi”, “ổ gà”, có đoạn thắt cổ chai hoặc các khúc cua khuỷu tay nguy hiểm. Hôm nay, đường đã được mở rộng với bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. Chúng tôi đã từng nhiều lần đi từ QL14 lên TP Buôn Ma Thuột, mỗi chuyến đi mất từ 12 đến 14 tiếng đồng hồ. Có hôm lên đến nơi nhưng không thể làm việc ngay mà phải nghỉ ngơi vì mệt do đường xấu. Bữa nay, đi trên đường mới chưa đầy 6 tiếng đã lên đến Buôn Ma Thuột. Xe chạy êm thuận giữa bạt ngàn rừng cây khiến chúng tôi quên hết mệt mỏi”.
Anh Mai Vọng (Báo Thanh Niên) nhớ lại: “Ba năm trước khi nhắc đến QL14, ai cũng ngán ngẩm với con đường đau khổ nắng bụi, mưa lầy. Giờ xe đã có thể chạy bon bon, ngồi trên chiếc ô tô 15 chỗ từ Bình Phước lên Đắk Lắk mà tôi cứ ngỡ đang đi trên đường cao tốc. Có nhiều cung đường rất đẹp, nhất là những đoạn đi qua đồi dốc thoai thoải. Con đường trông như dải lụa lượn qua những vườn cây cao su, rừng thông xanh ngát”.
Anh Mậu Trường (Báo Tuổi trẻ) không giấu được sự ngạc nhiên trước vẻ đẹp của con đường mang tên Bác. “Lên xe, ai cũng muốn chọn vị trí gần cửa sổ để nhìn ngắm cảnh đẹp dọc hai bên đường. Từ trên xe phóng tầm mắt ra xa là núi non trùng điệp, hùng vĩ và những đồi chè xanh mượt. Những hàng thông già chạy dọc hai bên như tô điểm thêm cho vẻ đẹp của con đường Hồ Chí Minh”.
Tiết kiệm thời gian, chi phí
Nhiều người dân sống trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên cũng bày tỏ họ không ngờ dự án hoàn thành nhanh như vậy. Chỉ sau 1,5 năm triển khai thi công đến tháng 6/2015, toàn bộ 419 km đường đã hoàn thành, vượt tiến độ hơn một năm so với yêu cầu của Quốc hội.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông phấn khởi: “Không riêng gì chúng tôi, mà người dân ở khu vực Tây Nguyên mong chờ tuyến đường khánh thành từng ngày, từng giờ. Đường đẹp sẽ tạo điều kiện cho Đắk Nông kéo các nhà đầu tư trở lại và hy vọng địa phương sẽ phát triển”.
Theo khảo sát của chúng tôi, hàng trăm doanh nghiệp vận tải ở TP HCM và Tây Nguyên đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt khi đường Hồ CHí Minh qua Tây Nguyên thông xe. Ông Lê Hồng Tiến (nhà xe Thảo Châu, TP HCM) cho biết, cách đây hai ngày ông và đoàn tài xế đã có chuyến khảo sát tuyến đường này. “Nhiều năm trước, nhắc đến QL14 từ Bình Phước đi Tây Nguyên, các tài xế và người dân ai cũng ngao ngán lắc đầu trước con đường ngập sình lầy mỗi khi mưa xuống. Khổ nhất là nhiều xe tải khi đụng phải ổ gà sâu bị gãy nhíp phải nằm lại giữa đường. Nhưng giờ đây QL14 đẹp quá”, ông Tiến nói.
Đại diện nhà xe Thuận Tiến (Gia Lai) hồ hởi: “Nhờ đường đẹp, thông thoáng nên hành trình xe khách từ trung tâm TP Pleiku về TP HCM (530 km) chỉ còn hơn 10 giờ, rút ngắn 1/3 thời gian so với trước đây. Nhiều hành khách đi trên xe mừng lắm. Đường đẹp, một đêm ngủ trên xe yên giấc, sáng sớm tới bến xe miền Đông không sợ tắc đường, kịp đủ thời gian để đi làm, đi học”.
Cũng theo vị đại diện này, khi đường xấu, “Người ta cứ kêu trạm thu phí mất thêm tiền, nhưng đường đẹp, có thu phí vẫn lời cho chủ xe. Vì đường xấu như trước kia, máy móc xuống cấp, nổ lốp, gãy nhíp, sức khỏe tài xế bị ảnh hưởng, hành khách kêu than”, đại diện nhà xe Thuận Tiến cho biết.