Đường HCM đẹp uốn lượn trên Tây Nguyên
Vượt tiến độ hơn 1 năm, chất lượng đạt yêu cầu
Dự án đường Hồ Chí Minh (HCM) qua các tỉnh Tây nguyên và tỉnh Bình Phước được đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ bản đi trùng với QL14, có chiều dài 663km từ Đắk Zôn tỉnh Kon Tum đến Chơn Thành tỉnh Bình Phước. Tuyến đường này đã được đầu tư 110km từ Đăk Zôn đến Tân Cảnh, tỉnh Kon Tum trong giai đoạn 1 (từ năm 2000 - 2007), còn lại 553km đoạn từ Tân Cảnh, tỉnh Kon Tum đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2 (từ năm 2008). Trong đó khoảng 134km qua đô thị các tỉnh Tây nguyên và đoạn nối Kon Tum với PleiKu được triển khai từ năm 2008, hoàn thành cuối năm 2013, đầu năm 2014 và 419km chia làm 11 dự án thành phần (6 dự án vốn TPCP và 5 dự án BOT) được đầu tư trong giai đoạn 2013 - 2015.
Quy mô đầu tư toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng (Bnền = 12m, Bmặt = 11m) cho 02 làn xe cơ giới, 02 làn thô sơ; một số đoạn qua đô thị được mở rộng 04 làn xe cơ giới và 02 làn xe thô sơ. Hướng tuyến cơ bản bám theo đường cũ (QL14), mở rộng 02 bên để hạn chế GPMB, cải tạo một số đoạn qua khu vực đèo dốc, địa hình khó khăn. Các cầu trên tuyến, thay thế một số cầu yếu, sửa chữa, tận dụng một số cầu cũ và mở thêm các cầu mới để đảm bảo quy mô chung toàn tuyến.
Sau 1,5 năm triển khai thi công đến nay toàn bộ 419km triển khai từ cuối năm 2013 đi qua 5 tỉnh Kom Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước đã hoàn thành đảm bảo chất lượng, vượt tiến độ hơn 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội, góp phần hoàn thành toàn bộ 663km đường HCM qua các tỉnh Tây nguyên và Bình Phước.
Nỗ lực vượt khó
Nhìn lại toàn bộ quá trình thi công dự án, ông Lâm Văn Hoàng, Tổng giám đốc Ban QLDA đường HCM, cho biết: Trong quá trình triển khai, dự án đường HCM các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước phải đối mặt với không ít khó khăn như: khối lượng GPMB lớn; mùa mưa ở Tây Nguyên thường đến sớm và kéo dài từ 7-8 tháng/năm; điều kiện địa chất, thuỷ văn phức tạp nên thường xuyên phải xử lý các vấn đề về kỹ thuật phát sinh trong quá trình thi công; nhiều khu vực còn bom mìn, chất độc chiến tranh để lại; nguồn nguyên vật liệu khan hiếm; là tuyến đường giao thông Bắc - Nam duy nhất khu vực Tây Nguyên nên vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông thông suốt…;
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường tặng quà những lãnh đạo tỉnh Kon Tum
có công xây dựng tuyến đường HCM
Mặc dù một số dự án thành phần được triển khai sớm (từ năm 2008) song do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ nên phải tạm dừng, giãn tiến độ vì thế tiến độ thực hiện bị kéo dài. Tuy vậy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các khó khăn từng bước được tháo gỡ để đưa dự án về đích vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Để có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây nguyên, Bộ GTVT, dự án đã được áp dụng một số cơ chế đặc thù như: cơ chế huy động vốn để đầu tư bằng hình thức xã hội hóa, cho phép ứng trước vốn để triển khai công tác GPMB, thực hiện chỉ định thầu trong công tác thiết kế, thi công, lựa chọn nhà đầu tư; sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương và sự ủng hộ, giúp đỡ của bà con nhân dân vùng dự án trong công tác GPMB, nên chỉ trong một thời gian ngắn một khối lượng GPMB khổng lồ đã được bàn giao (khoảng 420km với diện tích đất thu hồi gần 140ha và 12.458 hộ dân bị ảnh hưởng); sự nỗ lực không biết mệt mỏi của các bộ, viên chức Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và các lực lượng tham gia xây dựng dự án (các Nhà đầu tư, nhà thầu, TVGS, TVTK…).
Cắt băng thông tuyến đường HCM qua Kon Tum.
Trong quá trình thi công, dưới sự chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban QLDA đường HCM đã thực hiện các biện pháp quản lý, điều hành hợp lý như xây dựng kế hoạch thi công phù hợp với đặc thù thời tiết khu vực Tây nguyên, kịp thời giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu đá, tập kết vật liệu (đá, nhựa đường) để chủ động nguồn vật liệu đáp ứng tiến độ; thành lập Tổ chuyên gia chất lượng kiểm soát chất lượng, kiên quyết loại bỏ và thay thế các nhà thầu, TVGS vi phạm tiến độ, chất lượng…; cùng với các đơn vị thi công, TVGS ngày đêm bám sát công trường, thi công liên tục 3 ca để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án.
Nhờ đó, các dự án thành phần đường HCM qua các tỉnh Tây nguyên & Bình Phước triển khai cuối năm 2013, đầu năm 2014 đã hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng. Trên toàn tuyến chưa xuất hiện tình trạng hằn lún vệt bánh xe, đảm bảo giao thông êm thuận, thông suốt.
"Việc hoàn thành dự án đường HCM qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân. Trước đây, khi dự án chưa được triển khai, tuyến QL14 cũ xuống cấp, hư hỏng trầm trọng ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao, là điểm nghẽn cho việc phát triển kinh tế vào Tây nguyên. Đến nay, khi tuyến đường hoàn thành, giao thông trên tuyến đã thuận lợi hơn rất nhiều, thời gian đi lại giữa các tỉnh được rút ngắn, tháo gỡ điểm nghẽn quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để các tỉnh khu vực Tây Nguyên thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng", ông Lâm Văn Hoàng, cho biết thêm.
Cắt băng thông tuyến đường HCM qua Gia Lai
Ông Huỳnh Tấn Phục, Giám đốc Sở GTVT Kon Tum, cho biết: Được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ GTVT; của Tỉnh Uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự hỗ trợ của các bộ ngành trung ương, cùng với sự phối hợp tích cực của các sở, ngành chức năng, của chính quyền địa phương huyện Đăk Hà, Đăk Tô, thành phố Kon Tum, đồng thời được nhân dân sinh sống hai bên tuyến đường đã chia sẻ, ủng hộ trong quá trình đền bù, GPMB nên công tác GPMB của dự án sớm hoàn thành đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu triển khai thi công.
Ông Trần Ngọc Trai, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Phước, cũng vui vẻ tâm sự: “Quốc lộ 14 hoàn thành mang lại niềm vui cho nhân dân tỉnh Bình Phước, đặc biệt là nhân dân trực tiếp trên tuyến đường đi qua. Trong những năm qua, tuyến đường này đã gây khó khăn đi lại, ảnh hưởng đến đời sống và phát triển kinh tế. Đường hoàn thành sẽ góp phần cho sự phát triển kinh tế chung của Bình Phước và quan hệ phát triển giữa các tỉnh thành khác trên cả nước”.
“Việc hoàn thành dự án đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Bình Phước có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần cải thiện nâng cao đời sống của nhân dân. Trước kia, khi dự án chưa được triển khai, tuyến đường Quốc lộ 14 xuống cấp, hư hỏng trầm trọng ảnh hưởng đến việc đi lại, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của tỉnh. Khi tuyến đường hoàn thành, giao thông trên tuyến này sẽ thuận lợi cho việc đi lại, rút ngắn thời gian lưu thông giữa các tỉnh lân cận, tạo điều kiện cho tỉnh Bình Phước thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng”.
Phát biểu chỉ đạo và công bố thông tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đánh giá cao lỗ lực của chính quyền các tỉnh Tây Nguyên và Bìn Phước đã chỉ đạo sâu sát các địa phương phối hợp với Ban QLDA đường HCM (đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng) để tiến độ dự án được thuận lợi nhất, về đích sớm hơn 18 tháng so với kế hoạch.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao những lỗ lực của nhà đầu tư, nhà thầu, cơn đơn vị TVTK, TVGS... trong quan trình thi công. Thứ trưởng thông báo kết quả nghiệm thu nhà nước đối với đường HCM qua Tây Nguyên và Bình Phước đã đạt tiêu chuẩn và cho phép đưa vào sử dụng. Yêu cầu các nhà thầu trong thời giam bảo hành phải bảo đảm tốt công tác ATGT, có trách nhiệm với gói thầu được giao cho đến hết thời gian bảo hành.
V.T