Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong những năm vừa qua, Bộ GTVT đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt kết quả quan trọng, tạo được chuyển biến lớn (trong giai đoạn 2011 – 2015 đã huy động được 370.283 tỷ đồng, trong đó huy động theo hình thức BOT, PPP... là 121.833 tỷ đồng). Mạng lưới hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Nhiều dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp có tầm cỡ khu vực và quốc tế được hoàn thành và đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả tốt: cầu Nhật Tân, đường cao tốc Nội Bài - Nhật Tân, QL3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cầu Vĩnh Thịnh trên QL2C, Nhà ga hành khách T1 mở rộng, Nhà khách VIP A và Nhà ga hành khách T2 - CHK quốc tế Nội Bài, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây...
Đại diện Vụ KHĐT - Bộ GTVT trình bày tham luận tại Hội thảo.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông mong muốn thông qua Hội thảo sẽ giới thiệu tới các nhà tài trợ, các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà đầu tư tiềm năng, các doanh nghiệp một số thông tin về nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2020, các cơ chế chính sách của Chính phủ Việt Nam nhằm thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Thứ trưởng cho rằng, Hội thảo này cũng sẽ là cơ hội để cá đại biểu gặp gỡ, chia sẻ khó khăn vướng mắc, các rủi ro, kinh nghiệm quốc tế và các kiến nghị trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách để triển khai xây dựng và thực hiện các dự án cụ thể. Thứ trưởng khẳng định, Bộ GTVT sẽ tổng hợp ý kiến, đề xuất Chính phủ những biện pháp, cơ chế phù hợp để tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng GTVT tại Việt Nam trong thời gian tới.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT) nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT giai đoạn 2016-2020 đối với lĩnh vực đường bộ là 651.076 tỷ đồng, lĩnh vực đường sắt là 119.123 tỷ đồng, lĩnh vực đường thuỷ nội địa là 33.579 tỷ đồng, lĩnh vực hàng hải là 67.949 tỷ đồng và lĩnh vực hàng không là 101.027 tỷ đồng. Hiện tại Bộ GTVT đang triển khai xã hội hóa đầu tư KCHTGT theo các hình thức như: Doanh nghiệp tự thực hiện đầu tư; Hình thức hợp tác của các doanh nghiệp đang được giao quản lý KCHTGT; Hình thức đầu tư PPP; Hình thức cho thuê hạ tầng; Nhượng quyền theo hình thức chuyển đổi doanh nghiệp; CPH các doanh nghiệp được giao quản lý KCHT và hình thức cho thuê hạ tầng.
Đại diện Cục Quản lý đấu thầu- Bộ KHĐT trình bày tham luận tại Hội thảo.
Còn theo đại diện Cục Quản lý đấu thầu- Bộ KHĐT, để huy động nguồn vốn của xã hội Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về PPP (thay thế Nghị định 108 và Quyết định 71) và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Trong đó, lĩnh vực đầu tư đã mở rộng sang lĩnh vực Giao thông vận tải, Đô thị, Điện, Công trình kết cấu hạ tầng xã hội, Công trình kết cấu hạ tầng thương mại, khu kinh tế...Từ 3 hình thức hợp đồng quy định trong Nghị định 108 và Quyết định 71 là BOT, BT, BTO, Nghị định mới cũng đã nâng lên thành 7 hình thức hợp đồng là BOT, BTO, BT, BOO, O&M, BLT, BTL.
Hội thảo thu hút được sự chú ý của nhiều đại biểu và cơ quan báo chí.
Hội thảo cũng đã chia sẽ các kinh nghiệm trong hoạch định chính sách nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân theo mô hình PPP tại Việt Nam của Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Kinh nghiệm triển khai các dự án PPP trong lĩnh vực Hàng không và Đường sắt của đại diện khối Dịch vụ Tư vấn Phát triển Cơ sở Hạ tầng/PPP, Ernst & Young Singapore va Ernst & Young khu vực ASEAN...
AC