Tại buổi làm việc, ông Thomas Lophia - Tổng Giám đốc Công ty OPIS AG đã giới thiệu về công nghệ Novo Crete, theo đó Novo Crete là một chất khoáng sản nhằm mục đích ổn định đất cho các công trình đường bộ, đường sắt, bến cảng… sản phẩm bột màu trắng, làm hoàn toàn bằng 100% thành phần từ khoáng sản (sản xuất tại Đức) kết hợp ximăng. Sản phẩm có thể áp dụng trước và sau khi thảm asphalt, sử dụng hiện trạng đất + 10% ximăng + 2% Novo Crete.
Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì buổi làm việc với ông Thomas Lophia
và Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan về công nghệ Novo Crete
Theo ông Thomas Lophia, lợi thế của Novo Crete đó là chống nước, chống lụt, gia tăng tuổi thọ so với biện pháp truyền thống, giảm được chi phí (giảm 30-50% so với công nghệ truyền thống). Đặc biệt, sản phẩm Novo Crete không phải đào đường lên, mà sử dụng ngay hiện trạng của mặt đường đó để đưa Novo Crete vào xử lý và cũng không cần nhiều nguyên vật liệu từ nơi khác vận chuyển đến, mà sử dụng từ nguyên liệu hiện tại trên tuyến đường.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng hoan nghênh và đánh giá cao ông Thomas Lophia đã giới thiệu công nghệ mới Novo Crete; đồng thời giao Vụ Khoa học công nghệ làm việc cụ thể với ông Thomas Lophia về công nghệ làm nền đường Novo Crete, cùng với đó phải nghiên cứu công nghệ làm mặt đường phù hợp với công nghệ này.
Công nghệ Novo Crete sẽ được thực hiện thí điểm 10km
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Ảnh minh họa
Bộ trưởng cho biết, nhu cầu làm đường cao tốc của Việt Nam rất lớn, đến hết năm 2015 sẽ hoàn thành 700 km đường cao tốc, trong khí đó nhu cầu làm đường cao tốc Việt Nam là 6.500 km. Công nghệ Novo Crete rất phù hợp với làm đường mới, đặc biệt là đường cao tốc, Bộ trưởng gợi ý Công ty OPIS AG có thể thực hiện thí điểm áp dụng công nghệ Novo Crete 10km thuộc Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, nếu công nghệ này đạt yêu cầu, đảm bảo chất lượng sẽ tiến hành triển khai đại trà.
“Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, phía Công ty OPIS AG đồng ý, Bộ GTVT sẽ mời sang làm thí điểm 10km nền đường và mặt đường của tuyến đường này bằng công nghệ mới. Nếu chất lượng đảm bảo và giảm được 30% chi phí thì giao cho Công ty làm luôn” - Bộ trưởng nói
Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay, Việt Nam đang rất cần vật liệu để triển khai công trình giao thông, bởi hiện Việt Nam đang áp dụng biện pháp xúc bỏ vật liệu cũ đi, đưa vật liệu mới từ nơi khác đến, trong khí đó vật liệu mới rất hạn hẹp. Việc áp dụng công nghệ mới giảm được chi phí đầu tư, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ về rà soát lại các dự án nhằm giảm suất đầu tư hạ tầng giao thông, vì suất đầu tư hạ tầng giao thông ở Việt Nam hiện rất lớn.
X. Nguyên